Thực hiện ý định của mình, nhiều năm liền, anh Thích đã đến các thôn, bản xa của xã để tìm, sưu tập các loại giống lợn bản gốc về nuôi và bán giống. Hiện tại, gia đình anh đã xây dựng hoàn tất chuồng lợn với 6 ngăn cùng 8 con lợn đẻ và 3 đàn lợn con, trung bình mỗi đàn khoảng từ 7-8 con.
Cứ mỗi sáng, hai vợ chồng lại tất bật chuẩn bị cho việc nấu cám, người đi cắt cỏ, người băm chuối, nấu cám. Bằng cách tận dụng các thực phẩm sẵn có tại gia đình như: Thân chuối, cám gạo, ngô, cỏ... và đầu tư thêm 1 máy nghiền thức ăn đa năng giúp công việc chế biến thức ăn cho đàn lợn của gia đình trở nên dễ dàng hơn, làm giảm sức lao động.
Để đàn lợn khỏe mạnh, anh đã kết hợp với thú y xã thường xuyên tiêm các loại vắc-xin, nhằm phòng các loại bệnh: tụ huyết trùng, tai xanh, dịch tả... Cùng với đó, anh luôn giữ chuồng trại khô ráo, cũng như quây và khoanh vùng chăn thả... giúp đàn lợn luôn khỏe mạnh.
Mô hình đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm, trung bình lợn đẻ được từ 1-2 tháng là có thương lái về mua. Từ đó đến nay anh đã xuất chuồng được 6 lứa, chủ yếu là bán lợn con hoặc lợn giống thu về hơn trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh luôn tìm mua thêm những giống lợn tốt về để nuôi và nhân giống; mua các nông sản của người dân như: chè, ngô, sắn... về để bán thêm và cung cấp cho các nhà chăn nuôi khác. Bằng việc dám nghĩ, dám làm anh đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu và trở thành tấm gương điển hình trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Anh La Văn Hữu, Bí thư Đoàn xã Minh Ngọc, cho biết: Với việc phát triển nuôi lợn bản truyền thống, đây là mô hình đầu tiên trong chương trình khởi nghiệp của địa phương. Anh Thích là một tấm gương không ngừng học tập và có hướng đi riêng trong phát triển kinh tế xứng đáng để nhiều thanh niên địa phương học tập.
HOÀNG YẾN