Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tìm về Há Ía...

Vũ Mừng - 05:49, 29/07/2024

Người lạ có dịp lên xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tìm vào thôn Há Ía sẽ có cảm giác như đang lạc vào một bản làng cổ tích. Bởi ở đó, dưới chân những rặng núi cao ngất lưng chừng trời, có những ngôi nhà người Mông quây quần sau những tường rào đá nối dài, đều tăm tắp, đẹp đến nao lòng.

Thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Thế nhưng, trước đây không chỉ riêng bản Há Ía, mà cả xã Cán Chu Phìn này như lửng lơ trên triền núi đá rỗng. Mưa xuống thoát ngay vào khe không đọng một vệt nước. Người ta chỉ quanh năm uống nước mưa trong hốc đá. Lâu không mưa thì lên núi, tìm vũng nước đọng, chắt từng gáo một. Tới khi hết rồi thì ra khe suối cách ba cây số mới thấy nước nguồn. Từ gà gáy đến sáng bạch cũng chỉ được hai lượt vác, đó là chưa kể mạch nước cũng thất thường chẳng ai đoán được!

Nhưng giờ này mọi thứ đã đổi thay! Bởi lẽ, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh sinh động như thế này… Ngày hai buổi sáng chiều, những người phụ nữ Mông trong thôn Há Ía với nét mặt đỏ hây hây dịu dàng lại mang áo quần ra bể nước sinh hoạt tập trung giặt giũ. Lũ trẻ con líu ríu bên mẹ, vừa tắm táp, vừa hua hua bàn tay bé xíu trong những chậu nước thật đầy. Chúng chụm tay hất tung dòng nước trong mát lên trời rồi cười khanh khách nô đùa với nhau. Công trình mang ý nghĩa lớn lao ấy, được địa phương xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023  vừa rồi.

Cán bộ khuyến nông xã Cán Chu Phìn Sùng Quang Thắng thăm mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Vừ Sìa Sính (người bên trái)
Cán bộ khuyến nông xã Cán Chu Phìn Sùng Quang Thắng thăm mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Vừ Sìa Sính (người bên trái)

Bấy giờ một người đàn ông Mông, tay áo vẫn còn xắn cao như đang làm dở công việc nào đó từ đám đông bước ra, bắt tay tôi thật chặt. Anh là Vừ Sìa Sính, sinh năm 1979. Gia đình anh Sính có cả thảy 10 người, cậu con trai út Vừ Mí Sồ đã lên lớp 4 đang học trường bán trú ngoài xã.

Trên đường dẫn tôi về thăm nhà, anh cứ tiếc nuối mãi một điều: “Giá nhà báo lên sớm hơn một chút thì được xem đàn lợn hơn hai chục con tranh nhau ăn, thích con mắt lắm. Sắp tới chợ phiên nên người xã bên sang mua đưa đi mất rồi”. “Nhưng không sao đâu, trong chuồng vẫn còn hơn chục con đấy. Mình nuôi gối đàn mà. Cán bộ bảo phải nuôi như vậy”, giọng anh Sính hồ hởi.

Anh Sính truyền tay cho tôi cùng cán bộ khuyến nông của xã Sùng Quang Thắng xem cuốn nhật ký chăn nuôi của gia đình. Lúc này, cán bộ Thắng mới tỉ mẩn: “Đầu năm 2023, anh Sính được Nhà nước hỗ trợ tiền để gây đàn lợn. Từ số vốn 15 triệu đồng ban đầu với 3 con giống, thoắt cái đã sinh sôi cả đàn. Ngày 18/8/2023 xuất bán lứa đầu tiên, tới đợt vừa rồi là lứa thứ 4. Bán đi 35 con, thu về hơn 60 triệu đồng. Tới cuối năm 2023, hộ gia đình anh Sính thoát nghèo”.

“Thoát nghèo”! Ngắn gọn thế thôi mà nhìn lại chặng đường để có được tới kết quả đó cũng không ít gian nan. Một năm 2 lần, cán bộ xã Cán Chu Phìn lại tất bật xuống từng nhà người dân, trực tiếp tiêm phòng bệnh cho từng con lợn. Chưa kể những đợt dịch bất chợt từng mùa, hễ nắm được thông tin là cán bộ lại phải xuống cơ sở ngay. Anh Sính bảo: “Trước đây người Há Ía mình có nuôi con gì cũng chẳng tiêm phòng bao giờ đâu. Có chăng mùa đông thì mới nhốt lại cho khỏi chết rét nhưng giờ chăn nuôi tiến bộ rồi, hiệu quả hơn hẳn”.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Trưởng thôn Há Ía Vừ Mí Cáy trò chuyện cùng chị Vừ Thị Say về mô hình phát triển kinh tế của gia đình.
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Trưởng thôn Há Ía Vừ Mí Cáy trò chuyện cùng chị Vừ Thị Say về mô hình phát triển kinh tế của gia đình

Mặt trời đứng bóng, tôi ghé thăm nhà Hờ Mí Sử. Nghe tiếng gọi, anh thình thịch chạy băng băng qua mấy nương gần nhà để về gặp tôi. Sử kể: “Một năm có vài tháng em đi làm thuê dưới xưởng đóng tàu ở Hải Phòng. Nhưng chỉ làm vài tháng thôi”. 

“Sao anh không ở lại làm lâu dài cho có thu nhập ổn định?”. Tôi dứt lời, Sử thật thà: “Công việc thời vụ anh ạ, với mình còn phải về với vợ chứ”. Chị Vừ Thị Say, nãy giờ vẫn ngồi bên cạnh cửa, nghe chồng nói bất giác mân mê hai vạt áo, khẽ tủm tỉm cười. Trò chuyện thân tình hồi lâu, Hờ Mí Sử tâm sự: “Mẹ em đi làm ăn xa, bố em mất sớm. Từ ngày bố mất, em như người vào bếp gặp khói, nhòe cả hai con mắt, nhìn mãi không thấy đường. Mọi điều đều gian nan lắm”.

Tôi cuốn theo câu chuyện của Sử, lắng nghe anh thủ thỉ: “Em sinh năm 1990, tới năm 2010 lấy vợ, hai vợ chồng sinh cháu lớn cùng năm đó. Cả nhà chỉ trông vào mấy khoảnh nương. Một vụ trồng hết 6 cân giống. Trồng xong nương ngô rồi chỉ biết nhìn xem cây ngô mọc mầm, chồi lên khỏi hốc đá. Cây ngô ra một lá, hai lá. Cây ngô có một đốt, rồi hai đốt... Và lại chờ tới khi nào phải làm cỏ, vun gốc mới lại lên nương. Mà ở đây, một hòn đất phải chen với 3 hòn đá. Nhát cuốc bổ xuống cả cẳng tay trối lên. Cũng chịu khó làm ăn mà cứ nghèo”.

Đầu năm 2023, anh Sử cùng 19 hộ gia đình nghèo khác trong thôn được Nhà nước hỗ trợ tiền mua con giống từ Dự án chăn nuôi lợn sinh sản trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Lứa đầu, lợn mẹ sinh sản không thành công. Hai vợ chồng động viên nhau kiên trì, tới đầu năm 2024 sau 3 lứa lợn xuất chuồng, hai vợ chồng để tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng. Hờ Mí Sử nhìn vợ: “Có đường hướng làm ăn rồi, vợ chồng em bảo nhau nuôi dạy con cái nữa, rồi sau này sẽ khá giả anh ạ”. Chị Say nhìn chồng, lại tủm tỉm cười!

Đồng bào dân tộc Mông tại Há Ía canh tác ngô trên nương đá
Đồng bào dân tộc Mông tại Há Ía canh tác ngô trên nương đá

Mặt trời dần tắt, sương xuống nhanh như chạy ra từ ống thổi. Sương che kín hết những đỉnh núi cao, nhìn không thấy những chóp núi tai mèo nhọn hoắt. Mèo Vạc đang chớm thu. Ngoài đường, người ta đã mặc áo ấm như đầu đông dưới xuôi. Gió đêm như muốn lay cho những ngôi sao lóng lánh rơi xuống đậu trên đầu núi. Cảnh vật tĩnh lặng, yên bình mà cuộc sống con người thì đang dần đổi thay như nước nguồn chảy ngày đêm trong lòng đá vậy!

Trong lúc mở cuốn sổ tay điểm lại những nét chính của đợt công tác lần này, tôi chợt nhớ những điều chân thành mà Trưởng Phòng dân tộc huyện Mèo Vạc Nông Văn Ngay đã sẻ chia trong lần đầu gặp mặt: “Nếu dành thời gian để đi vào đời sống mỗi xóm làng, dù cho xóm làng ấy khuất nẻo tới đâu, xa xôi như Thượng Phùng, Sơn Vĩ, chót vót như Pải Lủng, Sủng Trà, gian nan như Tát Ngà, Nậm Ban… đều gặp biết bao sôi nổi, ủ ấp giữa cái lặng lẽ hàng ngày”. 

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Chưa thể thi công, có nguy cơ vỡ tiến độ… là thực tế đang diễn ra tại một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An. Những dự án này, chủ yếu là còn vướng mắc diện tích đất rừng nhưng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng, chưa hoàn thiện đánh giá tác động môi trường…