Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quản Bạ (Hà Giang): Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ

Nguyễn Dịu - Vũ Mừng - 01:28, 15/07/2024

Những năm gần đây, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất cho người dân.

Núi Đôi - Địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Quản Bạ
Núi Đôi - Địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Quản Bạ

Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện Quản Bạ đã có tổng số 28 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của huyện Quản Bạ, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, dược liệu, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ du lịch.

Bò vàng - sản phẩm OCOP đặc thù của huyện Quản Bạ
Bò vàng - Sản phẩm OCOP đặc thù của huyện Quản Bạ

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với yêu cầu thị trường, huyện Quản Bạ đã chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh về chiến lược phát triển sản phẩm OCOP.

Đồng thời, hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trên địa bàn về thiết kế nhãn mác, bao bì và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đẩy mạnh chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện văn hóa du lịch và thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó, từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân theo hướng tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sản phẩm dệt lanh xã Lùng Tám huyện Quản Bạ. Ảnh: Định Đặng
Sản phẩm dệt lanh xã Lùng Tám huyện Quản Bạ. Ảnh: Định Đặng

Ông Sùng Mí De - Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, cho biết: “Từ khi đăng ký thực hiện chương trình OCOP, các sản phẩm làm từ vải lanh như: Váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, xắc, túi điện thoại… của HTX Dệt lanh Cán Tỷ sản xuất đã được nhiều người biết đến. 

Hiện nay, HTX sản xuất được trên 35 loại sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, hiện nay sản phẩm của HTX còn có mặt ở các thị trường như Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. Từ đó, đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống”.

Các sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ đang được phát triển theo hướng hàng hóa và chuyên nghiệp
Các sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ đang được phát triển theo hướng hàng hóa và chuyên nghiệp

Không chỉ riêng Cán Tỷ, xã Quản Bạ cũng là một trong những địa phương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ và chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Ghi nhận tại thôn Nặm Đăm, là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng cho thấy, sản phẩm Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm hiện đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Tại đây, việc gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, nét đẹp văn hóa, là giải pháp trọng tâm mà ngành Du lịch địa phương hướng tới để hấp dẫn du khách. 

Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 39 hộ làm dịch vụ Homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm. Ngay từ năm 2022, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và nhận giải thưởng ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bên cạnh chủ trương đưa sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp vào chuỗi sản phẩm du lịch, UBND huyện Quản Bạ còn định hướng các HTX và người dân làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số.

Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều sản phẩm của địa phương như: Hồng không hạt, mật ong Bạc hà, Giảo cổ lam, dược liệu các loại, rượu ngô Thanh Vân, dệt lanh dân tộc Mông xã Lùng Tám, Cán Tỷ... đã đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước, qua nhiều kênh phân phối và tiêu thụ khác nhau.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm hấp dẫn du khách bởi nhịp sống bình yên và người dân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: NAG Ngô Vĩnh Phú
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm hấp dẫn du khách bởi nhịp sống bình yên và người dân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: NAG Ngô Vĩnh Phú

Theo ông Hạng Dương Thành -Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, xác định được lợi thế về tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân, từ năm 2022, UBND huyện Quản Bạ đã ban hành các chương trình, hành động, kế hoạch về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, huyện Quản Bạ đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các HTX, các doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa, bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các hộ và nhóm hộ gia đình, các chủ thể sản xuất ra sản phẩm OCOP để đầu tư mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất và mời các chuyên gia tập huấn kỹ thuật… Từ những chủ trương đó, chương trình phát triển OCOP theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Quản Bạ ngày càng được mở rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.