Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tín dụng chính sách chưa đẩy lùi tín dụng đen-Vì sao?: " Vòi bạch tuộc" len lỏi trong các buôn làng (Bài 2)

Lê Hường - 11:41, 23/02/2021

Mặc dù chính sách tín dụng đang được triển khai rộng rãi với nhiều ưu đãi, song những năm gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. "Vòi bạch tuộc" tín dụng đen đang len lỏi đến nhiều buôn làng Tây Nguyên, gây mất trật tự an ninh, đẩy nhiều gia đình rơi vào cuộc sống khốn khó, trắng tay và hoang mang lo sợ.

Một gia đình là nạn nhân của tín dụng đen
Một gia đình là nạn nhân của tín dụng đen

“Cái bẫy” vay nhanh, thủ tục đơn giản

Với thủ đoạn đáp ứng cho vay tiền nhanh chóng, đơn giản, nhiều người dân dễ dàng rơi vào bẫy tín dụng đen mà không lường trước được hậu quả. Gia đình bà H’Bét Knul, ở buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana (Đăk Lăk), từng là nạn nhân của tín dụng đen. 

Bà H’Bét kể: cuối tháng 9/2018, bà cần gấp một khoản tiền khoảng 30 triệu đồng để mua phân bón đầu tư vườn cây và chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, hỏi hết người thân, bạn bè, hàng xóm cũng không gom được khoản tiền lớn như vậy. Tình cờ bà nhặt được tờ rơi quảng bá cho vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng có tiền.

 Gọi theo số điện thoại ghi trên tờ rơi hỏi vay tiền, chỉ trong vòng 30 phút, có 2 thanh niên đến mang tiền đến tận nhà cho bà vay 30 triệu đồng, trả góp trong 50 ngày, mỗi ngày 750 nghìn đồng. Thủ tục rất đơn giản, bà H’Bét chỉ cần đặt CMND và sổ hộ khẩu, sau đó điểm chỉ vào tờ giấy vay. Có tiền để lo việc, nhưng lãi suất hàng ngày phải trả quá cao, bà không thể đáp ứng được nên bị nhóm cho vay đe dọa, khủng bố đủ trò.

“Thủ tục vay ngân hàng phải chờ lâu, nhiều giấy tờ lằng nhằng nên thấy tờ rơi vay nhanh lãi thấp, là mình vay luôn, chứ có biết rơi vào cảnh khốn khổ thế đâu. Không trả đủ chúng gọi dọa đủ thứ nào là cắt tay, cắt chân, dọa giết… Ở đây không phải mình nhà tôi, rất nhiều gia đình khác cũng vay tiền kiểu như thế này”, bà H’Bét buồn bã kể lại.

Cũng vì khó khăn và thiếu hiểu biết, ông Nay Nam, ở buôn Ơi Múi, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cũng rơi vào bẫy tín dụng đen. Ban đầu, ông Nay Nam chỉ 4 triệu đồng, đầu tư chăm sóc cây mì không phải thế chấp gì cả, thấy thủ tục dễ dàng, không phải giấy tờ, ký tá gì ông tiếp tục vay thêm, lâu dần lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi thu hoạch mì số tiền đã lên đến 200 triệu đồng. Thu hoạch cả vụ mì không đủ trả nợ, ông đành gán 4.000 m2 và 9 con bò cho chủ nợ. Gia đình ông Nay Nam rơi vào tay trắng, mất rẫy, mất bò mất kế sinh nhai.

“Mọi người trong nhà đi làm thuê để trả nợ, nếu không gồng gánh được, thì căn nhà này cũng mất luôn. Giờ tôi chỉ mong trả hết nợ này, dù có khó đến mấy cũng không dám nghĩ đến vay lãi ngoài nữa”, ông Nay Nam nói.

Ông Y Đức Êban, Trưởng buôn Sứt M’grư, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk cho biết: tín dụng đen hoạt động ở buôn làng lâu rồi. Những người cho vay đến tận nhà người dân mời chào, thủ tục đơn giản, chỉ vài giờ là có tiền. Trong buôn cũng có một số hộ nghèo vay cần tiền đầu tư sản xuất, lo cho con cái ăn học tiếp cận kiểu vay này. Đã có trường hợp, không có khả năng trả nợ đã bị chủ nợ siết mất đất, đe dọa đến tính mạng.

Theo ông Nay Nguyên, Trưởng buôn H’ngôm, xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính là do hầu hết bà con không biết chữ, không rành sổ sách, ngại  làm thủ tục vay ngân hàng do phải lo nhiều thủ tục. Do vậy, khi gặp khó khăn, hay có việc cần gấp, người dân tìm đến các đối tượng cho vay để ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo ốm đau…; cũng vì không biết chữ nên không biết chủ nợ ghi gì, mà vẫn nhận điểm chỉ. Nhiều gia đình trả từ năm này qua năm khác, từ đời cha đến đời con, cuối cùng cũng mất đất, trắng tay.

Tín dụng đen len lỏi khắp các buôn làng
Tín dụng đen len lỏi khắp các buôn làng

Cần tránh xa tín dụng đen

Những năm qua, ngành chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên đã mạnh tay xử lý các đối tượng, băng nhóm hoạt động tín dụng đen. Hàng chục băng nhóm, hàng trăm đối tượng đã bị triệt xóa.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mức hình phạt cao nhất với hành vi này là 3 năm tù giam. Ðây là tội phạm ít nghiêm trọng, mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay thì, cơ quan điều tra muốn bắt tạm giam, phải có phê chuẩn của Viện Kiểm Sát. Trong khi đó, các đối tượng hoạt động trá hình và ngày càng tinh vi, ngành chức năng khó xử lý.

Để cắt đứt được vòi bạch tuộc này, cần phải có biện pháp xử lý đủ sức răn đe và người dân phải tỉnh táo trong vay tín dụng. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền,nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng, là quan trọng hơn hết.

Theo bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Cư Suê, tình trạng cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen đã diễn ra tại địa phương nhiều năm. Hội phổ biến đến các chi hội, tăng cường tuyên truyền, giúp chị em nhận biết nguồn vốn vay chính thống và vay tín dụng đen. Điều đáng mừng, đến nay hầu hết hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn vay chính thống. Điển hình như Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã cho hơn 1.000 lượt hộ vay, tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Nhờ đó, hoạt động tín dụng đen giảm đi rất nhiều so với trước.

Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Đăk Lăk cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hoạt động tín dụng đen tuy có giảm, nhưng ở nhiều nơi địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, đời sống của người dân. 

"Mấu chốt quan trọng, vẫn là tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tự nhận biết và tránh xa tín dụng đen. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng cần linh hoạt cơ chế, chính sách cho vay phù hợp, để người dân dễ tiếp cận vốn tín dụng chính sách.", ông Nguyễn Tử Ân nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.