Đường vào xã Bát Mọt Từ thị trấn Thường Xuân, chúng tôi men theo con đường uốn lượn quanh dãy núi đá vôi trùng điệp, vượt hơn 60km để đến với xã vùng biên Bát Mọt. Những năm gần đây, vùng đất biên cương này đang dần đổi thay nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của chính những người dân sinh sống nơi đây.
Được sự giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà anh Lang Văn Cư (sinh năm 1988, ở thôn Chiềng), một trong những người đầu tiên ở Bát Mọt đưa dúi mốc về nuôi. Trước sân nhà anh là gian hàng tạp hóa nhỏ, phía sau nhà được anh thiết kế xây dựng khu chuồng nuôi dúi sạch sẽ, ngăn nắp, được che chắn cẩn thận.
Dẫn chúng tôi đi thăm từng ô chuồng nuôi, anh Cư hồ hởi chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ có 5ha keo và bán hàng tạp hóa. Nhưng giá keo bấp bênh, làm nông mãi cũng chẳng giàu được. Qua tìm hiểu, tôi thấy mô hình nuôi dúi ở nhiều nơi phát triển rất tốt. Con dúi hợp với khí hậu mát mẻ vùng cao, nguồn thức ăn như tre, nứa, mía... thì quanh đây không thiếu. Năm ngoái, tôi quyết định đầu tư, mua 10 cặp dúi bố mẹ về nuôi thử nghiệm.
Chuồng trại nuôi dúi mốc của anh Lang Văn Cư, thôn Chiềng xã Bát MọtAnh Cư rất vui, nhưng cũng kể về những khó khăn ban đầu: Nuôi dúi không phải cứ bỏ chuồng là nuôi được. Lúc đầu, do anh chủ quan, không để ý kỹ thức ăn bị mốc, chuồng trại chưa sạch, nên dúi hay bị tiêu chảy, có lúc mất gần nửa đàn. "Sau đó, tôi đã kiên trì học hỏi, điều chỉnh dần, bây giờ đàn dúi đã khỏe mạnh, sinh sản tốt. Mỗi năm dúi sinh sản 2 – 3 lứa, con trưởng thành nặng 1,5 – 1,8kg, bán thương phẩm giá 350.000 – 500.000 đồng/kg. Đến nay, tôi đã có hơn 200 con trong chuồng”.
Anh Cư nói: “Nuôi dúi không phải giàu nhanh, nhưng có thu nhập đều đặn và an toàn. Tôi mong muốn sắp tới xã hỗ trợ để thành lập hợp tác xã, liên kết đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn”.
Dúi mốc khi trưởng thành đạt khoảng 1,5 - 1,8kg/conKhông chỉ riêng gia đình anh Cư, gia đình ông Lữ Văn Cường, thôn Dưn cũng đã thành công từ sự kiên trì nuôi con dúi này. Ông Cường kể: “Hồi đó, thằng con trai tôi mua vài cặp dúi về nuôi thử, không hiểu kỹ thuật nên chúng lăn ra chết. Nhưng tôi nghĩ, cái gì khó mới đáng để làm. Tôi tự tìm hiểu, ra tận Hòa Bình học cách nuôi, rồi mua hẳn 50 con dúi giống về làm lại từ đầu”.
Hiện nay, đàn dúi của ông Cường cũng đã lên hơn 200 con. Mỗi khi đến kỳ xuất bán, thương lái tìm tới tận nhà. Ông Cường vui vẻ bảo: “Tôi già rồi, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng dúi ăn tre trong chuồng, tôi lại thấy an tâm. Nó giống như vốn liếng nằm trong nhà, cứ chăm tốt là có tiền”.
Cấp ủy, chính quyền xã Bát Mọt khuyến khích, tạo điều kiện để hộ dân nuôi con dúi đạt hiệu quảÔng Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết: Xã có 8 thôn, chủ yếu là đồng bào Thái. Trước nay, bà con quen làm nông, trồng keo, chăn nuôi lợn, gà. Nhưng mấy năm nay, nhờ định hướng phát triển kinh tế từ những mô hình con nuôi đặc sản như dúi mốc, ốc nhồi... mà đời sống bà con có phần khởi sắc hơn.
"Kết quả mô hình nuôi dúi của một số hộ trên địa bàn, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật để người dân phát triển nhân rộng mô hình này", ông Thiện cho hay.