Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tình trạng học sinh người Đan Lai bỏ học: Chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả

Minh Thứ - 10:34, 16/12/2019

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc vận động học sinh đến trường, nhưng những tháng đầu năm học 2019-2020, Trường THCS Châu Cam, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) có thời điểm vẫn vắng tới 40 học sinh, chủ yếu là học sinh người Đan Lai. Đến nay, tình trạng này đã được cải thiện hơn, nhưng vẫn còn nhiều em có nguy cơ bỏ học.

Giáo viên Trường THCS Châu Cam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh Đan Lai
Giáo viên Trường THCS Châu Cam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh Đan Lai

Em La Văn Chi người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ), sinh năm 2008, cho biết: Vì nhà nghèo nên năm học này em phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, trông em. Mỗi khi thấy các bạn đi học, em thèm lắm, nhớ bạn, nhớ trường, thầy cô nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành ở nhà.

Cùng lớp với Chi, em La Văn Vũ cho biết, đường từ nhà em đến trường quá xa xôi, nên dù muốn đi học, em cũng khó có thể thực hiện ước mơ của mình. Mỗi lần mưa xuống, cả gia đình đành ở nhà ăn mì gói cả tuần chứ không đi đâu được.

Hiểu được tâm tư của các em, các giáo viên Trường THCS Châu Cam khăn gói vượt hơn 40km đường rừng đến tận nhà của các em để vận động cha mẹ cho các em đến trường.

Cô giáo Đoàn Thị Hương, Chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Châu Cam cho biết: Người Đan Lai sống gắn với núi rừng và sông suối nên họ quan niệm, khi lớn lên là phải biết vào rừng làm rẫy, xuống suối bắt cá… việc học để biết con chữ không quá quan trọng. Để thay đổi tư duy này là một việc rất khó khăn. “Nếu kiên trì vận động, luôn quan tâm chia sẻ đến các em, thì các em sẽ yêu thầy cô, bạn bè để tiếp tục đến trường theo học”, cô Hương chia sẻ.

Còn cô giáo Đinh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Cam cho biết: Trường có tổng số gần 500 học sinh, trong đó có 126 học sinh Đan Lai. Đầu năm học 2019 - 2020, các thầy cô giáo đã vào từng bản xa để vận động học sinh tới lớp.

Riêng học sinh Đan Lai, trường đã tiến hành vận động nhiều lần, nhưng hiện vẫn còn nhiều em nghỉ học.

“Các em học sinh người Đan Lai, chủ yếu là học sinh lớp 6, lâu nay sống biệt lập, vừa mới rời gia đình, làng bản ra ở nhà bán trú tại trường nên còn nhút nhát, e ngại, thậm chí không muốn đi học. Khi thấy thầy cô đến nhà, các em liền chạy trốn, bố mẹ lại thiếu quan tâm nên việc duy trì sỹ số khá khó khăn. Thậm chí, có em trả lời rằng: “Em thấy các bạn cùng lứa đều ở nhà đi làm rẫy và chăn trâu, bò nên cũng không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà thôi”, cô Hà cho biết thêm.

Thời gian qua, nhiều thầy, cô đã bỏ tiền túi mua sách vở, đồ dùng và áo quần để “giữ” học sinh của mình ở lại trường, nếu không các em có thể trốn về nhà bất cứ lúc nào. Được biết, tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở Con Cuông hiện nay là 96%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng nên con số này có thể giảm xuống.

Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết: “Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng, huy động các em đến lớp đông đủ, chúng tôi đã chỉ đạo các trường học tích cực phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương vào cuộc. Tuy vậy, việc vận động vẫn còn gặp khó khăn, nhất là con em Đan Lai ở vùng sâu, vùng xa, cần tiếp tục nghiên cứu thêm một số giải pháp”.

Tin cùng chuyên mục
Giải pháp đột phá để phổ cập giáo dục mầm non: Làm kỹ và làm chắc (Bài cuối)

Giải pháp đột phá để phổ cập giáo dục mầm non: Làm kỹ và làm chắc (Bài cuối)

Ngoài những chính sách đặc thù để đầu tư cho giáo dục mầm non (GDMN), thì việc đổi mới chương trình, là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Việc đổi mới chương trình GDMN cần phải được thực hiện kỹ lưỡng, tránh nóng vội, bởi đây là bậc học nền tảng, từ đó tạo tiền đề cho việc đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục.