Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tình trạng Phá hoại cây trồng ở Đăk Lăk: Dân bất an, chính quyền chậm trễ

PV - 15:43, 03/04/2018

Trước đây, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, kẻ gian thường chặt phá các cây công nghiệp lâu năm đã trưởng thành, trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngay cả những vườn cây còn non, kẻ phá hoại cũng không tha. Thực trạng này rất cần sự quan tâm, khẩn trương vào cuộc của ngành chức năng để bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân.

Ăn Tết xong, ông Đỗ Thế Xưởng, buôn Kré A, xã Ea K’nếch, huyện Krông Păk đi thăm vườn, thì mới biết hơn 200 cây cà phê và 50 trụ tiêu bị chặt phá tan hoang. Khốn khổ hơn, gia đình ông đã nhiều lần bị kẻ gian phá hoại cây trồng.

Vườn tiêu của người dân đang thời kỳ kinh doanh bị kẻ gian phá hoại Vườn tiêu của người dân đang thời kỳ kinh doanh bị kẻ gian phá hoại

 

Cụ thể năm 2015, kẻ gian chặt của ông 210 cây cà phê, 2016 lại phá 17 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh và cuối năm 2017, chúng còn đốt nhà rẫy cùng đồ đạc bên trong. Điều đáng nói là, mỗi lần xảy ra vụ việc ông đều trình báo ngành chức năng địa phương, công an huyện cũng xuống kiểm khám nghiệm hiện trường, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Còn vườn cà phê tái canh 2 năm của ông Võ Đình Hồng, thôn 7, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột bị kẻ gian phá khi mọi người đang vui chơi Tết. Vườn cây xanh mướt đang thời kỳ phát triển sung sức, ra hoa bói lứa đầu bỗng chốc hoang tàn, cành lìa gốc. Ông Hồng rớt nước mắt kể, rẫy cà phê cách xa nhà vài cây số, ngày mồng 2 Tết, gia đình đang đi chúc mừng năm mới, thì nhận được điện thoại của người hàng xóm bên cạnh rẫy báo vườn cà phê bị chặt phá. Ông và một số người thân cùng chạy vào rẫy, hơn 300 cây cà phê đã bị chặt ngang đổ rạp.

“Tôi hụt hẫng ngồi thụp xuống đất, chi phí hàng trăm triệu và 2 năm chăm sóc tiêu tan rồi. Để tái canh vườn cà phê 300 gốc chi phí từ giống, đào hố, phân bón cũng mất cả trăm triệu, phải mất 4 năm mới cho thu hoạch, gia đình tôi phải vay mượn, đi làm thuê trang trải. Tôi đã lên trình báo với công an xã và UBND xã Hòa Thắng và chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc để người dân yên tâm sản xuất”, ông Võ Đình Hồng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: Hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã Hòa Thắng đã xảy ra nhiều vụ phá hoại cây trồng, chủ yếu vụ việc nhỏ, vụ việc xảy ra tại rẫy cà phê nhà ông Hồng là lớn nhất. Đặc điểm chung của các vụ chặt phá cây trồng đều ở rẫy xa khu dân cư. Ngay sau khi nhận được các tin báo, lực lượng công an xã đã phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột xuống kiểm tra hiện trường và nắm thông tin vụ việc. Chính quyền địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật để người dân yên tâm sản xuất. Cơ quan chức năng địa phương vào cuộc điều tra, nhưng chưa tìm ra thủ phạm.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra nhiều vụ phá hoại cây trồng, chủ yếu là vườn cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hai gia đình chị H’Oen Pang Ting ở buôn DLei và gia đình anh Y Phong Bhốc, buôn Triết, xã Đăk Nuê, huyện Lăk cũng phát hiện 226 cây cà phê trồng hơn 1 năm bị chặt phá và 115 cây cà phê mới trồng bị nhổ. Sau đó, hai gia đình trình báo chính quyền địa phương, công an vào cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Đây là những hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, việc vườn cây gây tổn thất lớn về kinh tế, bị phá hoại khiến họ lâm vào cảnh nợ nần.

Đã nhiều vụ phá hoại cây trồng xảy ra, mặc dù cơ quan chức năng địa phương cũng vào cuộc điều tra, nhưng đa số các vụ việc không tìm ra đối tượng phá hoại, một số vụ việc tìm ra thủ phạm thì mức xử lý lại nhẹ nên tình trạng phá hoại vườn cây vẫn tiếp tục xảy ra. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra tìm ra thủ phạm, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại cây trồng để người dân yên tâm sản xuất.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.