Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Tổ truyền thông cộng đồng - Giúp phụ nữ, trẻ em DTTS ở Đức Cơ có cuộc sống tốt đẹp hơn

Ngọc Thu - 11:35, 13/10/2024

Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” được thành lập tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) đã giúp phụ nữ, trẻ em DTTS nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xoá bỏ hủ tục, rào cản định kiến giới… để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ được thành lập nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ, trẻ em DTTS biết phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn
"Tổ truyền thông cộng đồng" tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ được thành lập nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ, trẻ em DTTS biết phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn

Chung tay đẩy lùi tảo hôn

Tảo hôn - câu chuyện chưa bao giờ hết “nóng” ở huyện biên giới Đức Cơ. Những cuộc hôn nhân ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã mang đến bao câu chuyện buồn về những ông bố, bà mẹ “nhí”, để lại hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Tại xã biên giới Ia Pnôn, năm 2023, có 4 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng là do ảnh hưởng của các phong tục lạc hậu để lại như: kết hôn sớm để có lao động làm việc, điều kiện kinh tế khó khăn, sự tác động của mặt trái mạng xã hội, lối sống mới… làm ảnh hưởng đến nhận thức của lứa tuổi thanh, thiếu niên khiến tình trạng bỏ học, tảo hôn còn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng làng Triel, xã Ia Pnôn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phòng chống tảo hôn
Các thành viên "Tổ truyền thông cộng đồng" làng Triel, xã Ia Pnôn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phòng chống tảo hôn

Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, năm 2023, Tổ truyền thông cộng đồng làng Triel và làng Bua được thành lập. Tổ có 20 thành viên là những Người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước truyền thông, phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình… Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng, ý thức tự bảo vệ, phòng tránh trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội. Qua đó, góp phần giảm thiểu tảo hôn, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Chị Kpuih H’Đa (làng Triel, xã Ia Pnôn) cho biết: Mình và các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên tranh thủ các buổi họp làng, xã để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới bà con. Đặc biệt là phải xóa bỏ các hủ tục như lễ cưới, ma chay rình rang, kéo dài nhiều ngày, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Nói một lần bà con có thể không nghe, nhưng nhiều lần và nói đúng, thấy ưng cái bụng là bà con cũng thực hiện theo. Nhờ vậy, số trường hợp tảo hôn đã giảm dần, trong năm 2024 chỉ còn 2 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết thống.

Xóa bỏ rào cản định kiến giới

Trong gia đình và cộng đồng đồng bào Gia Rai, tiếng nói phụ nữ không có "trọng lượng", không được đóng góp ý kiến và tham gia những việc hệ trọng của làng. Cùng với đó, để có nguồn “nhân lực” lên rẫy, phụ nữ phải lấy chồng sớm, sinh nhiều con... Chính những quan niệm lạc hậu, định kiến về giới ấy mà nhiều cô gái không được đến trường; nhà nào cũng đông con… Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây buôn làng.

Tổ truyền thông cộng đồng làng Tung, xã Ia Nan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em DTTS
"Tổ truyền thông cộng đồng" làng Tung, xã Ia Nan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em DTTS

Để từng bước xoá bỏ về định kiến giới ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt nâng cao kiến thức, quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ trong thời kỳ mới, "Tổ truyền thông cộng đồng" làng Tung, xã Ia Nan đã có những cách làm hay, sáng tạo thông qua những mô hình, việc làm thiết thực.

Chị Kpuih H’Hoa, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng làng Tung chia sẻ: “Bản thân mình cũng làm gương cho bà con thấy việc chăm chỉ làm ăn, trồng cây lúa, cây cà phê cho năng suất, kinh tế cao. Khi mình tự tay làm ra kinh tế, không phụ thuộc ai, cùng với tư tưởng tiến bộ thì tiếng nói mình mới có giá trị. Trước hết là nói chồng, nói con, sau là hướng dẫn cho dân làng cùng nhau thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực tham gia các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”... Qua đó, giúp chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ cách làm, tự tin thể hiện bản thân, xóa bỏ rào cản định kiến giới và khuôn mẫu giới. xây dựng cuộc sống văn minh hơn”.

Huyện Đức Cơ có 10 xã, thị trấn với 73 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 45 làng vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 35% dân số. Vì vậy, các Tổ truyền thông cộng đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên có uy tín trước cộng đồng để vận động người dân xoá bỏ các hủ tục cũng như rào cản về bình đẳng giới và khuôn mẫu giới, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS …

Huyện Đức Cơ đã thành lập 19 Tổ truyền thông cộng đồng các làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi
Huyện Đức Cơ đã thành lập 19 "Tổ truyền thông cộng đồng" các làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi

Chị Lê Thu Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ (Gia Lai) nhận định: Từ hiệu quả bước đầu Tổ truyền thông cộng đồng mang lại sẽ nâng cao nhận thức góp phần thay đổi cuộc sống đồng bào DTTS huyện Đức Cơ, trong đó có chị em phụ nữ và trẻ em. Sự đổi thay này là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. 

Thời gian tới, huyện Đức Cơ sẽ hành lập 29 "Tổ truyền thông cộng đồng" và tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép giới, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức vận động bình đẳng giới cho cán bộ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, thành viên các "Tổ truyền thông cộng đồng"… Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai các hoạt động của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 đạt chỉ tiêu và có hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS.

Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” là một trong những nội dung cốt lõi của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025. Tính đến tháng 9/2024, huyện Đức Cơ đã thành lập được 19 Tổ truyền thông cộng đồng, 1 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Đồng thời, tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực cho Tổ truyền thông cộng đồng và các lớp truyền thông Dự án 8, truyền thông pháp luật hôn nhân gia đình, tảo hôn; Tổ chức 19 buổi truyền thông một số vấn đề về giới và bình đẳng giới tại 19 làng với hơn 1.000 hội viên phụ nữ, người dân tham dự…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.