Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Toom Sara - khi mùa hoa rì rừng bung nở

Minh Ngọc - 17:43, 21/02/2022

Trong những chuyến du ngoạn đầu năm, nhiều du khách đã tìm đến làng du lịch cộng đồng Toom Sara thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Nơi đây còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt dịp này là thời điểm những bông hoa rì rừng bung nở rực rỡ nơi núi rừng hùng vĩ, và cũng là mùa lễ hội của đồng bào Cơ Tu.

Trong làng du lịch cộng đồng Toom Sara, hoa rì rừng rực rỡ trên nền trời xanh và cây đang trổ lộc
Trong làng du lịch cộng đồng Toom Sara, hoa rì rừng rực rỡ trên nền trời xanh và cây đang trổ lộc

Cách trung tâm Đà Nẵng hơn 50km về phía Tây, có một ngôi làng của người Cơ Tu nằm nép mình dưới những núi đá, những tán lá rừng, bên những khe suối róc rách rực rỡ các loại hoa rừng. Trong đó độc đáo nhất là loài hoa rì rừng.

Cây rì rừng đang ngủ yên, tự nhiên qua một đêm bung hoa vàng rực. Già làng A Lăng Đợi ở làng du lịch cộng đồng Toom Sara thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bồi hồi: “Rì rừng trổ bông rồi, mùa hội của người Cơ Tu đất này cũng bắt đầu! Từ xưa thì người đàn ông Cơ Tu thường hái hoa này để tặng cho người phụ nữ cài lên tóc và bỏ vào gùi. Những bông hoa rì rừng này rụng xuống suối, cá ăn lại cái hoa này nên chúng tôi đặt tên nơi này là suối hoa”.

Hoa rì rừng nở bên suối ở làng du lịch cộng đồng Toom Sara thuộc khu du lịch sinh thái Suối Hoa
Hoa rì rừng nở bên suối ở làng du lịch cộng đồng Toom Sara thuộc khu du lịch sinh thái Suối Hoa

Già làng A Lăng Đợi bảo, Toom Sara là tên vùng đất lâu đời của người dân tộc Cơ Tu ở Hòa Phú. Trong tiếng Cơ Tu, “toom” có nghĩa là suối còn “sara” là tên một loại hoa. Nơi đây được UBND xã Hòa Phú và các cá nhân tâm huyết với văn hóa Cơ Tu tạo điều kiện để phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Mùa rì rừng cũng là mùa lễ hội của người Cơ Tu
Mùa hoa rì rừng cũng là mùa lễ hội của người Cơ Tu

Rì rừng là một loài hoa đặc biệt của người Cơ Tu ở địa phương này bởi đó là loài hoa gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người đồng bào Cơ Tu. Biểu tượng 4 cánh hoa đến màu vàng, đỏ đặc trưng của loài hoa này được đồng bào dệt trên trang phục truyền thống của mình. Loài hoa này còn được đồng bào Cơ Tu dùng trong các lễ cúng quan trọng trong dịp đầu năm như lễ mừng lúa mới, lễ tạ ơn rừng.

Men theo những con suối len qua núi rừng thôn Phú Túc rợp sắc cam, sắc đỏ của loài hoa rì từng, vốn được coi là biểu tượng của xứ này. Mỗi độ hoa rơi phủ màu trên những tảng đá rêu phong, trôi theo dòng suối, như thể … những con suối đang vào ngày hội hoa đăng rực rỡ sắc màu… Anh Huỳnh Tấn Pháp – người phát triển mô hình du lịch tại Toom Sara cho biết, nhờ rừng và không gian cảnh quan được cộng đồng người Cơ Tu giữ gìn tốt, khu vực suối hoa còn nguyên vẻ đẹp tự nhiên. 

Mùa này những cây rì rừng cổ thụ trổ đều từng khối hoa vàng, cam, đỏ, phủ kín cả dòng suối. Những cành hoa đong đưa trong gió, tạo ra khung cảnh nên thơ. Những tảng đá to rộng bằng phẳng được nhiều du khách chọn làm nơi dừng chân chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc đẹp. Tại đây du khách có thể tham quan kết hợp hình thức nghỉ dưỡng homestay, trải nghiệm các loại hình truyền thống như dệt thổ cẩm; xem múa cồng chiêng, múa tung tung-da dá; thưởng thức đặc sản của đồng bào Cơ Tu như rượu cần Phú Túc, thịt nướng, cơm lam, bánh sừng trâu.

Hoa rì rừng đã trổ bông bên suối.
Hoa rì rừng đã trổ bông bên suối.

Vào tháng 2, tháng 3 hằng năm mùa hoa rì rừng bung nở cũng là mùa lễ hội của người Cơ Tu. Họ làm lễ dựng cây nêu để gửi lời cảm tạ trời đất, núi rừng, sông suối. Những đôi trai gái Cơ Tu dập dìu sánh đôi trong mùa “đi sim” để làm quen và kết duyên. Năm nay, lễ hội của làng được tổ chức muộn hơn vì dịch Covid - 19, những sắc hoa đã thưa bớt, nhưng những cánh bướm dập dìu rợp một góc trời vẫn khiến du khách đến đây mê đắm.

Khi hoa rì nở rộ cũng là lúc trai gái Toom Sara tươi tắn, khỏe mạnh trong trang phục thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu dập dìu theo tiếng trống, tiếng chiêng để tạ ơn các vị Yang (thần linh) vì một năm mưa thuận gió hòa. Những thanh niên lực lưỡng dựng x’nur (cây nêu) ra giữa khoảng sân trước nhà gươl. Nam thanh nữ tú nhảy múa điệu tung tung - da dá xung quanh cây nêu tạo nên hai vòng tròn, nữ trong - nam ngoài, tượng trưng cho sự phồn thực, no đủ.

Chẳng thế mà nhiều người vẫn chờ đợi mỗi năm một mùa hoa nở để đến làng chung vui lễ hội, đến suối và đứng dưới hoa rì rừng đang nở rộ kia, hít một hơi thật căng và cảm nhận nhịp sống thanh bình.

Tin cùng chuyên mục
Tây Nguyên hút khách du lịch nhờ các điểm đến thiên nhiên

Tây Nguyên hút khách du lịch nhờ các điểm đến thiên nhiên

Du lịch Tây Nguyên luôn là điểm đến hấp dẫn đối với những đôi chân mê khám phá. Vùng đất đỏ Bazan, vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, sông suối, văn hóa cồng chiêng, những vườn cà phê trĩu quả và ngắm nhìn những chú voi Bản Đôn hiền lành… Đây cũng chính là lý do mà trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, đã thu hút gần 300.000 lượt khách đến 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.