Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

TP. Cần Thơ: Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn ở vùng DTTS

Minh Triết - 07:58, 05/09/2024

TP. Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào DTTS, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp được TP. Cần Thơ chú trọng thực hiện là tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất trong vùng DTTS của Thành phố.

Từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, điều kiện học tập của DTTS ngày càng được đầu tư đầy đủ hơn. (Trong ảnh: Học sinh Trường DTNT huyện Cờ Đỏ tham dự triển lãm sách)
Từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, điều kiện học tập của con em DTTS ngày càng được đầu tư đầy đủ hơn. (Trong ảnh: Học sinh Trường DTNT huyện Cờ Đỏ tham dự triển lãm sách)

Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn 0,54%

TP. Cần Thơ hiện có 19 thành phần DTTS sinh sống, với 10.051 hộ/36.795 người, chiếm tỷ lệ 2,9% trên tổng dân số. Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu các DTTS TP. Cần Thơ lần thứ IV - năm 2024 (diễn ra ngày 29/8) cho thấy, đầu năm 2020, Thành phố có 186 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 1,90%/tổng số hộ DTTS của Thành phố. Đến tháng 8/2024, Thành phố còn 54 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 0,54%.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS TP. Cần Thơ lần thứ IV - năm 2024, kết quả giảm nghèo của Thành phố đã đạt chỉ tiêu đề ra tại Đại hội lần thứ III - năm 2019. Kết quả đó trước hết xuất phát từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS được Thành phố triển khai hiệu quả trong những năm qua.

Từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 192 hộ DTTS nghèo; hỗ trợ 2.652 hộ vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ hiện nay là 78,480 tỷ đồng; giới thiệu 1.764 người làm việc trong 564 doanh nghiệp trên địa bàn;...

Để giảm nghèo căn cơ, TP. Cần Thơ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân ở vùng DTTS. Đến nay, 100% ấp, khu vực trên địa bàn Thành phố đã có đường cứng hóa đến trung tâm xã; 83/83 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt 99%. Hiện nay, Thành phố có 6 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS, không còn địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nguồn lực từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS đã góp phần để TP. Cần Thơ đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Thành phố có 4/4 huyện đạt chuẩn NTM; 36/36 xã đạt chuẩn NTM; có 31/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

“Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi; sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng”, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết.

Đường giao thông nông thôn xã đông đồng bào DTTS (Thới Đông, huyện Cờ Đỏ , TP Cần Thơ) được quan tâm đầu tư
Đường giao thông nông thôn xã đông đồng bào DTTS (Thới Đông, huyện Cờ Đỏ , TP. Cần Thơ) được quan tâm đầu tư

TP. Cần Thơ hiện có 513 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong 5 năm (2019 - 2024), Thành phố đã gia hạn và mua mới 1.083 lượt bảo hiểm y tế hằng năm cho Người có uy tín; tổ chức 5 chuyến giao lưu học tập kinh nghiệm cho hơn 200 Người có uy tín; thăm hỏi, tặng quà cho 805 lượt Người có uy tín nhân dịp, lễ, Tết...

Phấn đấu không còn hộ nghèo DTTS

TP. Cần Thơ đã đề ra lộ trình đến năm 2029 và những năm tiếp theo để phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào DTTS một cách toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong đồng bào DTTS. Một trong những mục tiêu mà Thành phố đặt ra là đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào DTTS, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, để đạt mục tiêu này, Thành phố xác định tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất trong vùng DTTS của Thành phố. Trong đó, đến năm 2030, Thành phố cơ bản hỗ trợ cho 100% hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn có đất ở, nhà ở ổn định.

“Qua rà soát, hiện Thành phố còn 52 hộ DTTS thiếu đất ở. Thời gian tới, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến Thành phố sẽ xem xét bố trí vào 3 Khu dân cư DTTS tại các huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn”, ông Hiện cho biết.

Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) là huyện đông đồng bào DTTS nhất TP. Cần Thơ ( trong ảnh, Đại hội điểm cấp huyện lần IV, năm 2024 của TP. Cần Thơ)
Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) là huyện đông đồng bào DTTS nhất TP. Cần Thơ (Trong ảnh: Đại hội điểm cấp huyện lần IV, năm 2024 của TP. Cần Thơ)

Cùng với đó, TP. Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Thành phố phấn đấu có 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án ở vùng DTTS. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2003, do ngân sách Thành phố tự bảo đảm để triển khai 7/10 dự án thành phần nên cần phải chủ động lồng ghép vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

“Để vùng DTTS của Thành phố tiếp tục có bước phát triển, không còn hộ nghèo, Thành phố sẽ chú trọng phát huy nội lực, ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS, vận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Thành phố tiếp tục quan tâm, động viên đội ngũ Người có uy tín để tuyên truyền, vận động, cổ vũ đồng bào các dân tộc vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống...", ông Hiện khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.