Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

TP. Hồ Chí Minh chống dịch linh hoạt, phục hồi kinh tế

Lê Hoàng - 18:58, 29/09/2021

Sau nhiều tháng phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Thủ tướng cho phép áp dụng điều kiện đặc thù để phục hồi kinh tế.

Phục hồi nền kinh tế giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực khó khăn
Phục hồi nền kinh tế giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực khó khăn

Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Số ca mắc mới và số ca tử vong đều có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 30% được tiêm mũi 2.

Thích ứng và linh hoạt

Theo dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Bộ Y tế đặt ra những tiêu chí như: Ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Nếu địa bàn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% cho người trên 50 tuổi phải tăng biện pháp chống dịch lên nguy cơ rất cao. Quy mô đánh giá cấp độ dịch được áp dụng đến cấp xã, phường hoặc tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm... Việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh được địa phương thực hiện hàng tuần, để chuyển trạng thái chống dịch tương ứng.

Với nội dung dự thảo quy định hơn 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin, sẽ khiến TP. Hồ Chí Minh vẫn ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), còn rất lâu mới có thể mở cửa nền kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, làm lãng phí nguồn lực và kể cả tiêm đủ vắc xin...

Vì vậy, UBND TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng theo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bằng việc áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế.

Theo đó, từ ngày 1/10, Thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo mức độ an toàn của ngành Y tế đối với từng khu vực dịch bệnh. Bước đầu mở rộng hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành được thông suốt, phục vụ đời sống Nhân dân và đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Thành phố sẽ gỡ bỏ hàng trăm chốt kiểm soát trong trung tâm, chỉ duy trì 12 chốt kiểm soát cửa ngõ ra/vào Thành phố và 39 chốt tại địa bàn các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. "Thẻ xanh Covid" là một trong những điều kiện được phép tham gia lưu thông. Thành phố kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải cho phép mở lại một số đường bay quốc tế và trong nước tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Một số hoạt động vẫn tạm dừng như: Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy; xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô; trừ các trường hợp: Phục vụ công tác phòng, chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia…

Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm: Quán bar, massage, dịch vụ làm đẹp (trừ làm tóc), dịch vụ ăn uống tại chỗ (trừ trường hợp các địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép), trung tâm thương mại (trừ hệ thống siêu thị đặt trong trung tâm thương mại). 

Hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao nơi công cộng (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép), thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản sớm được hoạt động trở lại
Các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản sớm được hoạt động trở lại

Mở cửa nền kinh tế

Trước đó, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thống nhất các điều kiện y tế và giãn cách xã hội nhằm phục hồi kinh tế và an sinh xã hội, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm cho người dân. Các chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội vào lĩnh vực kinh tế cho phù hợp với giai đoạn mới.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá, Thành phố đang "chạy nước rút", kiểm soát dịch Covid-19 nhằm nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Trong quá trình phục hồi nền kinh tế, thì việc phòng chống dịch không được lơ là, chủ quan. Trong đó, y tế cộng đồng, y tế dự phòng là trụ cột bảo đảm trở lại bình thường mới. Nếu y tế không kiểm soát được dịch bệnh, để tình trạng bùng phát trở lại, sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi mở cửa phục hồi nền kinh tế, Thành phố tập trung tuyên truyền cho người dân chuẩn bị tâm thế sống trong điều kiện môi trường luôn có dịch. Người dân phải đề phòng, chấp hành 5K, tự nghiên cứu, chuẩn bị tinh thần, kiến thức, kỹ năng ứng phó với dịch, thích ứng tình hình mới.

Còn ông ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng, Thành phố buộc phải sớm mở cửa nền kinh tế để phục hồi sản xuất, nếu không thiệt hại sẽ rất lớn.

“Việc phân bổ nguồn lực cho xét nghiệm, chống dịch trên diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém. Hệ lụy cho nền kinh tế bị sụt giảm mạnh là cái giá phải trả quá đắt. Các doanh nghiệp kiệt quệ, nếu không mở cửa, thì sau này sẽ không kịp nữa. Một khi nền kinh tế phục hồi, sẽ mang lại nguồn lực tài chính để chống dịch. Quá trình mở cửa nền kinh tế theo từng nấc, phải có phương án dự phòng, phải có phương án rủi ro và thích nghi với điều kiện mới”, ông Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, cuộc chiến chống dịch bằng truy vết F0 đã không còn hiệu quả. TP. Hồ Chí Minh cần sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

“Sau nhiều tháng giãn cách, cả Thành phố lẫn doanh nghiệp đều kiệt quệ, nên cần phải mở cửa một cách nhất quán, dứt khoát. Bởi Thành phố sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy... nên cần mở cửa hoạt động để phục hồi nền kinh tế”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.