Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trà Vinh: Nông dân Khmer “đổi đời” nhờ trồng lúa chất lượng cao

N.Tâm – H.Diễm - 12:38, 06/11/2022

Việc trồng lúa chất lượng cao liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh quyết tâm thực hiện. Mục tiêu là giúp bà con nông dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer sản xuất nông sản ngày càng chất lượng và nâng cao thu nhập từ cây lúa.

Nông dân Khmer ở Trà Vinh “đổi đời” nhờ trồng lúa chất lượng cao
Nông dân Khmer ở Trà Vinh “đổi đời” nhờ trồng lúa chất lượng cao

Thay đổi cách làm, phum sóc khởi sắc

Vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong đó, thực hiện tiểu Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS. Nhu cầu vốn dự kiến cho tiểu dự án 2 là 125,89 tỷ đồng.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ vốn cho đồng bào, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng cây lúa,... được các địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời đến với đồng bào Khmer. Nhờ đó đã giúp đồng bào thay đổi đổi tập quán canh tác lạc hậu, từng bước tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. 

Các mô hình sản xuất, mô hình kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào Khmer như: cánh đồng lớn ở xã Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần), xã Châu Điền (huyện Cầu Kè), vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Nhị Trường, Trường Thọ (huyện Cầu Ngang), … góp phần nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trong vùng đồng bào Khmer. Đời sống của đồng bào Khmer chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu qua từng năm. Nếu khi mới tái lập tỉnh, hộ Khmer nghèo chiếm trên 50% nhưng đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 0,08% với 805 hộ.

Đến thăm xã Kim Sơn, huyện Trà Cú nơi có hơn 93% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trước đây là vùng chuyên canh cây mía với diện tích khoảng 1.300ha nhưng qua nhiều năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ mía sang nuôi thủy sản, trồng lúa… đã mang lại thu nhập ổn định, làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân địa phương. Bình quân giá trị sau chuyển đổi đạt 40 triệu đồng/ha/năm (mía sang 01 vụ lúa + nuôi thủy sản); từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm (mía sang chuyên nuôi thủy sản như tôm thẻ chân trắng, cá...). Từ sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, hiện nay nông dân xã Kim Sơn đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất… từ đó, mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Kim Minh Lợi, ấp Trà Cú B, xã Kim Sơn phấn khởi cho biết: Do thấy trồng mía ngày càng bấp bênh, thua lỗ gia đình đã quyết định chuyển đổi, cải tạo 2ha đất trồng mía sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, nhờ học hỏi áp dụng khoa học – kỹ thuật mỗi năm mô hình lúa – tôm của gia đình mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng.

Tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ mới vào canh tác lúa đã giúp gia đình nông dân Kiên Cơne, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang ổn định kinh tế. Ông Kiên Cơne chia sẻ: Đất ở đây là vùng bị nhiễm phèn, mặn, trước đây vẫn làm lúa nhưng tỷ lệ sinh trưởng thấp, nâng suất không cao, để cải thiện, vụ đông – xuân năm 2021 – 2022 gia đình đã ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Sản xuất lúa theo hình thức sử dụng máy sạ cụm nhằm tiết giảm lượng lúa giống, kết hợp với phân bón thông minh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Năng suất lúa đạt 08 tấn/ha (tăng hơn 1,5 tấn so với vụ lúa năm 2020 - 2021). Trong những vụ tới, gia đình sẽ vận động các hộ xung quanh để cùng thực hiện canh tác lúa thông minh.

Nông dân xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành kỳ vọng nâng cao thu nhập từ trồng lúa chất lượng cao
Nông dân xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành kỳ vọng nâng cao thu nhập từ trồng lúa chất lượng cao

Nâng cao chất lượng cây lúa

Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao (chủ yếu phân bón hóa học), vụ lúa hè - thu năm 2022, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân đã hướng đến sản xuất kết hợp sử dụng phân bón hóa học và phân hữu cơ vi sinh nhằm kéo giảm chi phí canh tác. Đồng thời, các giống lúa chất lượng cao như: OM5451, OM18, OM4900 và Đài thơm 8, ST25, ST24... được nhiều nông dân đưa vào canh tác để nâng cao chất lượng hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Lâm Quang Đúng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiểu Cần: trên địa bàn huyện đến cuối tháng 5/2022 sẽ xuống giống dứt điểm trà lúa hè – thu, chủ yếu các giống chất lượng cao được nông dân tập trung xuống giống nhiều ở vụ này là OM18, OM4900, OM545. Trong vụ này, nhiều nông dân kết hợp bón phân hóa học và phân hữu cơ vi sinh nhằm kéo giảm chi phí về vật tư nông nghiệp.

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: trong vụ Đông - Xuân 2021 - 2022, hợp tác xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần Âu Lạc (Hà Nội) để triển khai thí điểm sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất 20ha lúa, bước đầu cho thấy hiệu quả cao như kéo giảm khoảng 20% chi phí phân hóa học; trong khi đó, năng suất và sản lượng lúa vẫn giữ vững như sản xuất trước đây. Hiện trong vụ hè - thu, hợp tác xã cũng đang vận động nông dân và thành viên tiếp tục sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ vi sinh, tuy loại hình sản xuất này có mới, nhưng nông dân cũng đang dần làm quen và hướng đến. Dự kiến sẽ có khoảng 30ha được sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với các hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung ứng phân bón hữu cơ cho hộ sản xuất bằng hình thức tín chấp, cuối vụ mới thu hồi và giá bán tương ứng với giá nhà máy giao cho đại lý cấp I. Việc ứng dụng phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp khi vừa cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...