Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trải nghiệm Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê

Minh Anh - 17:43, 28/04/2025

Đối với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành tố chính, cấu thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Mới đây, được trải nghiệm lễ cúng trưởng thành của Y Thoan (cách gọi chung đối vớichàng trai dân tộc Ê Đê) tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam do đồng bào Ê Đê đến từ xã Krông, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk tái hiện, càng cảm nhận thêm những nét đẹp, sự độc đáo về bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS

Đối với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành tố chính, cấu thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc này
Đối với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành tố chính, cấu thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc này

Đối với người đàn ông Ê Đê, lúc sinh ra đến lúc trở thành một chàng trai, thành người đàn ông biết gánh vác mọi công việc của gia đình, của buôn làng thì Lễ cúng trưởng thành rất quan trọng. Trong tiếng Ê Đê "Mpú Tôh Kông", có nghĩa là Lễ thôi cồng. Đây là một nghi lễ quan trọng, khẳng định thời điểm người đàn ông đã được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành.

Lễ được tổ chức to hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi trưởng thành sớm hay muộn, cúng từ 1 lần hay 5 lần trong 1 ngày, hay 5 ngày, Lễ vật cúng là gà hay heo hay trâu, 1 ché rượu, 3 ché rượu, hay nhiều ché rượu..., tùy thuộc vào từng gia đình.

Mới đây, được trải nghiệm lễ cúng trưởng thành của Y Thoan càng cảm nhận thêm những nét đẹp, độc đáo bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Cụ thể, trước ngày diễn ra Lễ cúng trưởng thành, người mẹ gọi là Amí, người bố gọi là Ama sẽ đưa người con trai của mình là Y Thoan đến gặp thầy cúng để nhờ giúp đỡ.

Trước khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng sẽ kiểm tra lại lễ vật một lần nữa. Lễ vật mà gia đình chuẩn bị cho Lễ cúng trưởng thành của Y Thoan hôm nay gồm có: 3 ché rượu, 3 chén cơm, 3 chén thịt heo luộc và 3 chén nước.

Thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí và châm nước vào 3 ché rượu
Thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí và châm nước vào 3 ché rượu

Khi kiểm tra đầy đủ lễ vật, thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí và châm nước vào 3 ché rượu, người được cúng trưởng thành là anh Y Thoan mặc trang phục truyền thống, ngồi trước lễ vật, tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu lễ cúng bắt đầu

Lễ trưởng thành trải qua 2 lần cúng, gồm: cúng mời thần linh, mời ông bà tổ tiên về dự lễ; và cúng đeo vòng đồng, khấn cầu sức khỏe người được làm lễ.

Nghi thức đeo vòng đồng
Nghi thức đeo vòng đồng

Ở lần cúng đầu tiên này, thầy cúng đang cúng mời thầy linh, mời ông bà tổ tiên về dự lễ. Lời khấn của thầy cúng: “Ơ Giàng núi, Giàng sông, Giàng Chư Zú, Giàng E Krông Đing, Giàng tổ tiên…Thằng Y Thoan Niê nay đã lớn khôn, trồng cây chuối, chuối chín, trồng cây mía, mía ngọt, trồng cây cà phê, cây cà phê trĩu quả…", hôm nay gia đình Ma Thoan, Mí Thoan tổ chức Lễ cúng trưởng thành cho nó, mời tất cả các vị thần linh về dự chứng dám cho Y Thoan để nó được thôi cồng trở thành người đàn ông rắn rỏi, được quyền tham gia việc lớn việc nhỏ của gia đình và buôn làng….

Trong quá trình lễ cúng diễn ra, người Ê Đê cấm kỵ mọi người đi qua lại, nhằm giữ gìn sự thiêng liêng của buổi lễ.

Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên ở bất cứ nghi thức nào người phụ nữ cũng là người được mời trước rồi mới đến người đàn ông
Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên ở bất cứ nghi thức nào người phụ nữ cũng là người được mời trước rồi mới đến người đàn ông

Sau khi thầy cúng khấn xong sẽ tiếp tục châm nước vào 3 ché rượu ngụ ý muốn chúng ta hiểu rằng, thần linh đã về dự Lễ cúng trưởng thành của Y Thoan đã chứng giám cho Y Thoan.

Tiếp theo thầy cúng mời Y Thoan hưởng lộc từ thần linh bằng cách ăn các lễ vật đã được các thần linh dùng bữa. Khi Y Thoan ăn các lễ vật xong, thì thầy cúng tiếp tục mời Amí, Ama Thoan ăn các lễ vật của thần linh để lấy lộc. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên ở bất cứ nghi thức nào người phụ nữ cũng là người được mời trước, rồi mới đến người đàn ông.

Nghi thức múa khiên thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành
Nghi thức múa khiên thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành

Tiếp theo thầy cúng sẽ làm lễ tháo vòng đồng 7 khấc và đeo 3 chiếc vòng đồng mới cho Y Thoan. Theo phong tục của người Ê Đê thì, mỗi em bé trai khi sinh ra sẽ được đeo 1 chiếc vòng đồng vòng 7 khấc vào tay. Chiếc vòng này sẽ đeo trên tay người con trai cho đến khi làm lễ cúng trưởng thành mới được tháo ra đeo vòng đồng mới. 

Số lượng vòng đồng được đeo vào tay người được cúng trưởng thành tương ứng với số ché rượu là lễ vật mà gia đình đã chuẩn bị. Nếu cúng 1 ché thì đeo 1 vòng đồng, 3 ché thì đeo 3 vòng đồng hay 5, 7 ché thì đeo 5, 7 vòng đồng. Và đặc biệt số ché rượu dâng lên thần linh theo phong tục của người ê đê thì luôn là số lẻ.

Sau khi thực hiện nghi thức đeo vòng đồng thì người được cúng trưởng thành sẽ thực hiện nghi thức “Kdǒ Khil” có nghĩa là nghi thức múa khiên để thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành.

Sau khi nghi lễ kết thúc bà con sẽ múa hát chúc mừng chàng trai trưởng thành
Sau khi nghi lễ kết thúc bà con sẽ múa hát chúc mừng chàng trai trưởng thành

Khi thực hiện xong nghi thức múa khiên chàng trai sẽ trở về vị trí ban đầu, lúc này tiếng cồng chiêng đã dứt, thầy cúng sẽ mời chàng trai đến uống rượu nhận lời chúc mừng từ gia đình, họ hàng và bà con trong buôn theo khi thức “Mnăm ring” tức là uống rượu nối tay, những người uống rượu theo nghi thức này sẽ cầm cần rượu uống nối tiếp nhau liên tục.

Cứ như vậy bà con trong buôn ăn uống chúc mừng cho Y Thoan cho đến lúc tàn tiệc để chúc mừng nghi lễ đã hoàn thành, chúc mừng chàng trai Y Thoan đã trở thành người trưởng thành với trách nhiệm gánh vác trên vai.

Sau phần nghi lễ, đồng bào Ê Đê mời du khách tham quan cùng uống rượu cần và giao lưu để cùng chúc phúc cho mọi người sức khỏe bình an và luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau.

Tin cùng chuyên mục
Lâm Đồng: Tái hiện Lễ báo hiếu của dân tộc Mnông

Lâm Đồng: Tái hiện Lễ báo hiếu của dân tộc Mnông

Vừa qua, tại Khu bảo tồn văn hóa xã Đạ Tông, UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng tổ chức tái hiện Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của dân tộc M’nông trên địa bàn. Ðây là nghi lễ thể hiện sự biết ơn đấng sinh thành đã nuôi dưỡng, giáo dục con cháu nên người. Đồng thời là dịp để bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông giao lưu, tìm hiểu nhằm giữ gìn và phát huy các nét đẹp về bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương.