Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trại sáng tác văn học nghệ thuật: Nơi ươm mầm những tài năng

PV - 15:15, 24/07/2019

Những tác phẩm văn học gây được tiếng vang lớn, các công trình nghiên cứu khoa học ra đời, những cây viết mới được phát hiện… là kết quả đáng tự hào từ hoạt động của những trại sáng tác văn học nghệ thuật. Cũng từ đây, nhiều tác giả đã nhận được giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Một buổi trao đổi nghiệp vụ của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại trại sáng tác Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018. (Ảnh TL) Một buổi trao đổi nghiệp vụ của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại trại sáng tác Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018. (Ảnh TL)

Theo thống kê từ Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 6 trại sáng tác ở Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Các Nhà sáng tác đã thu hút hàng trăm văn nghệ sĩ tham dự, nhiều tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại đã ra đời từ đây. Trại sáng tác là nơi phát hiện, là “bệ phóng” giúp các cây bút có cơ hội được tỏa sáng.

Đặc biệt, trước nguy cơ thách thức các di sản văn hóa, phong tục truyền thống bị mai một, thì trại sáng tác đã trở thành nơi để nuôi dưỡng, phát triển những giá trị đó. Trong thời gian tham gia trại sáng tác (từ 10 ngày đến 15 ngày), các hội viên sẽ được hướng dẫn cách chọn đề tài, làm đề cương, triển khai vấn đề… Từ những kiến thức đó, đã giúp các hội viên định hình được cho mình phong cách riêng.

Nhớ lại trại sáng tác lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 tại tỉnh Điện Biên, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam không quên nhắc về những thành công của trại sáng tác năm đó. “Với 10 hội viên là người DTTS tham gia sáng tác, nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa dân gian đã ra đời, trong đó có những nghiên cứu đã được xuất bản thành sách. Điển hình như Cuốn sách “Lễ Xên Mường của người Thái” của nhà nghiên cứu dân gian Lường Thị Đại. Cuốn sách đã nhận được Giải thưởng cấp Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017...”, ông Sơn cho biết.

Cũng trong đợt phong tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, trong số 12 tác giả được Giải thưởng Nhà nước của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thì có tới 8 tác giả từng tham gia trại sáng tác đoạt giải với nhiều tác phẩm đã sáng tạo từ các trại sáng tác. Điều đó cho thấy, trại sáng tác đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu dân gian để sáng tạo nên tác phẩm có giá trị.

Là một trong những cây bút trưởng thành từ trại viết của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Thị Luyến, dân tộc Giáy, tỉnh Lào Cai cho biết: “Có thể nói trại sáng tác chính là nơi ươm mầm những cây bút tài năng mà trước đây chưa được phát hiện; là cơ hội để những ai có niềm đam mê với nghiệp viết lách, đặc biệt là với các bạn trẻ, sẽ là môi trường để rèn luyện, học tập, trau dồi hoàn thiện kỹ năng cho mình. Từ trại sáng tác, bản thân tôi đã tìm được cho mình hướng đi, phong cách viết riêng. Đặc biệt, với những tác giả người DTTS, họ sẽ có cơ hội được giới thiệu về những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình qua những tác phẩm nghiên cứu…”.

Sau khi tham gia trại viết, nhà nghiên cứu Hoàng Thị Luyến đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa của người Giáy, trong đó công trình Văn hóa ẩm thực người Giáy đã được xuất bản thành sách, được nhiều độc giả đón nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trại sáng tác còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp Hội Văn học-Nghệ thuật chưa làm tốt công tác lựa chọn hội viên khi đi dự trại sáng tác; chưa coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu; công tác tập hợp đánh giá chất lượng tác phẩm tiêu biểu qua từng đợt sáng tác còn thiếu, nên chưa tạo được sức lan tỏa rộng lớn, hấp dẫn cho mỗi lần tổ chức trại sáng tác. Điều đó đòi hỏi, hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật nói chung phải được các cấp Hội đổi mới, chọn lọc và đầu tư vào chiều sâu thay vì dàn trải. Có như vậy, ý nghĩa thiết thực của các trại sáng tác mới được phát huy hiệu quả, bền vững.

MINH HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.