Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Vươn ra biển lớn” nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị

Lê Dung- Ngọc Ánh - 18:13, 07/10/2023

Tại huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang), HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân) ở xã Hồng Giang được xem là điểm sáng của tỉnh về mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều năm qua, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ vải thiều đã phát huy hiệu quả, giúp khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đem lại lợi ích cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên HTX.

Thành viên HTX Hồng Xuân thu hoạch vải thiều
Thành viên HTX Hồng Xuân thu hoạch vải thiều

Chọn hướng "đi cùng nhau"

Đến thăm HTX Hồng Xuân, chị Nguyễn Thị Thúy, thành viên HTX chia sẻ, vải thiều là đặc sản nổi tiếng của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Sự hòa hợp của cây vải với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây đã tạo ra quả vải thiều thơm ngon rất đặc trưng không vùng đất nào sánh được. Tuy nhiên, những năm trước kia, khi chưa tham gia vào HTX, gia đình chị trồng khá nhiều vải thiều, nhưng do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên năng suất vườn vải chưa cao. Khi thu hoạch, trái vải thường bị sâu đầu, vị chua, đầu ra khó khăn, giá bán thấp.

Từ năm 2015, khi tham gia vào HTX Hồng Xuân, chị Thúy được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Sản phẩm vải thiều được HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm, giá bán ổn định và cao hơn so với giá ngoài chợ từ 5-10%. Với diện tích hơn 1 ha đất vải, bình quân mỗi vụ, gia đình chị thu hoạch khoảng hơn 3 tấn vải thiều, thu về trên dưới 200 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Nguồn thu từ vải thiều đã giúp gia đình chị Thúy xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi trong gia đình và nuôi các con ăn học đàng hoàng, chu đáo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân hồi tưởng lại quá trình thành lập và phát triển của HTX. Tiền thân của HTX Hồng Xuân là Câu lạc bộ VAC (vườn - ao - chuồng) thuộc thôn Kép, xã Hồng Giang được thành lập từ nhiều năm trước. Mục đích giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn nuôi; giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế hộ và trang trại, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Sau nhiều năm hoạt động, CLB nhận thấy việc thành lập HTX sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên tham gia. Theo đó, đầu năm 2008, HTX Hồng Xuân chính thức ra đời với 9 thành viên, ông Dũng đảm nhận vai trò Giám đốc. HTX xác định hướng đi chính là sản xuất, tiêu thụ nông sản, chủ yếu là vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh thuốc thú y.

Sản phẩm vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP
Sản phẩm vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP

Trong quá trình tổ chức lại theo Luật HTX 2012, HTX Hồng Xuân quyết định nâng mức vốn điều lệ từ 390 triệu đồng lên 1 tỷ đồng, tăng số lượng thành viên lên 18 thành viên, rà soát hợp đồng ký kết giữa HTX và thành viên để nâng cao tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện và trung thực trong hoạt động, thực hiện đúng nguyên tắc, giá trị của HTX kiểu mới.

Vươn ra biển lớn

Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cùng các cấp ngành và chính quyền địa phương, từ năm 2010 đến nay, các thành viên của HTX Hồng Xuân liên tục được tập huấn nâng cao trình độ, chuyển giao kỹ thuật, tham gia các chương trình, dự án, sản xuất, chế biến vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Cây vải từ khi trồng cho đến khi thu hoạch, bảo quản được chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng tuần, HTX cử người đến kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc vườn vải.

Đặc biệt, giai đoạn cây vải thiều ra trái sẽ được tỉa bớt cành bánh tẻ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Từ khi quả vải còn non sẽ được phun thuốc trừ sâu để loại sâu cuống. Giai đoạn khi thu hoạch vải khoảng 15 - 20 ngày thì phải cách ly hoàn toàn việc phun thuốc. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ vải đậu quả luôn đạt hơn 90%, trái vải to, chất lượng ngọt. Sản lượng cao gấp nhiều lần so với những vườn vải trồng tự nhiên trước kia.

Công nhân bốc xếp vải lên container xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: VV
Công nhân bốc xếp vải lên container xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: VV

Để bảo quản quả vải thiều được tươi ngon như lúc vừa hái, HTX Hồng Xuân còn xây dựng kho bảo quản lạnh với công suất thiết kế 150 tấn. Quả vải ngay sau khi thu hoạch được đóng hộp và giữ ở nhiệt độ thích hợp để có thể giữ tươi ngon trong vòng 30 ngày.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm vải thiều của HTX Hồng Xuân đã được các cấp chính quyền cấp tem nhãn thương hiệu, có QR code truy cứu thông tin và tem truy xuất nguồn gốc. Vải thiều của HTX đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Nhiều siêu thị lớn trong nước như Big C, Saigon Co.op đã tìm đến HTX Hồng Xuân để đặt hàng. Trong năm 2018, HTX đã thu mua, tiêu thụ hơn 300 tấn vải thiều cho các thành viên. Năm 2020, tăng lên 700 tấn, trong đó khoảng 430 tấn xuất qua Trung Quốc và châu Âu. “Vụ thu hoạch vải năm 2023, sản lượng vải thiều của HTX đạt hơn 1.000 tấn. Được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong nước Big C, Saigon Co.op và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, cao hơn năm 2022”, Giám đốc Phạm Văn Dũng cho biết.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hôgnf Xuân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập HTX
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập HTX

Với những cách làm bài bản, đến nay, HTX Hồng Xuân đã tăng vốn điều lệ lên 4 tỷ đồng với 18 thành viên chính thức và trên 100 thành viên liên kết ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Doanh thu 25 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/thành viên/năm, cùng với đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập HTX Hồng Xuân (2008-2023), ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang khẳng định, HTX Hồng Xuân là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Khối thi đua các HTX trên địa bàn tỉnh. HTX là mô hình điểm thực hiện đúng nguyên tắc, giá trị của HTX kiểu mới để các HTX trên địa bàn tỉnh học tập và nhân rộng. Thành viên HTX Hồng Xuân cũng là những người tham gia tích cực các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, góp phần đưa xã Hồng Giang trở thành xã nông thôn mới nâng cao của huyện Lục Ngạn năm 2021.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.