Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Trang phục - báu vật của người Dao đỏ

Hoàng Quý - 09:12, 23/11/2021

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, vùng đất Na Hang (Tuyên Quang) còn ẩn chứa trong mình những báu vật vô giá. Một trong những báu vật đó chính là những bộ trang phục rực rỡ mà người phụ nữ Dao đỏ mặc trên mình.

Nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Trong một chuyến công tác tại xã Vị Đà (huyện Na Hang), chúng tôi có dịp được gặp chị Bàn Thị Nhất, người nổi tiếng với đôi bàn tay khéo léo thêu giỏi nhất làng. Chị Nhất vừa thoăn thoát hướng dẫn cô con gái của mình thêu thùa, vừa giới thiệu với chúng tôi những nét đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ.

Theo chị Nhất, việc biết thêu thùa, may vá vô cùng quan trọng đối với phụ nữ Dao đỏ. Ngay từ nhỏ, các chị em đều được các bà, các mẹ trong thôn chỉ dạy cách thêu thùa để tự làm trang phục cho bản thân để khi đến tuổi cập kê.

“Trước khi về nhà chồng, người phụ nữ Dao đỏ còn được đặc cách ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình để có được cho mình bộ quần áo đẹp nhất” chị Nhất chia sẻ.

Được biết, trang phục truyền thống của người Dao đỏ thường được mặc vào mỗi dịp quan trọng như lễ hội, cưới xin. Một bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ bao gồm: Áo, yếm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Nét độc đáo trong bộ trang phục này được những người phụ nữ dân tộc Dao đỏ trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng.

Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Chính vì vậy đây là gam màu chủ đạo được họ sử dụng trong trang trí trang phục. Chất liệu được sử dụng để làm nên bộ trang phục này thường được dùng bằng vải lanh đã qua nhuộm chàm một cách kỹ lưỡng. Từ đó, bằng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ đã thêu những nét hoa văn, chắp ghép những trang sức bằng bạc. Những họa tiết được thêu thường rất phong phú, đa dạng như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật…

Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Dao tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục Dao đỏ không bị mai một cùng thời gian, người phụ nữ Dao đỏ đã tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là cho các em gái được dạy từ lúc 5 - 6 tuổi.

Chính nhờ điều này, mà trang phục và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang chưa bao giờ bị đứt đoạn và thực sự trở thành những thành tố quan trọng tạo thành nên văn hóa người Dao đỏ.

“Đặc biệt, từ năm 2019, chúng tôi rất vui mừng, tự hào khi nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, ông Triều chia sẻ.

Cùng với thời gian, bộ trang phục sẽ theo phụ nữ Dao đỏ đi suốt cuộc đời. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, phụ nữ người Dao đỏ đã tạo ra những nét riêng trong cách trang trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.