Tôi tìm đến nhà ông Lý Hữu Vượng ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn tìm hiểu về tranh thờ. Nhà ông Vượng rất dễ nhận ra bởi bên hành lang nhà có phơi rất nhiều tranh thờ vừa vẽ xong.
Ông Vượng tâm sự: Theo quan niệm của người Dao, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều thờ tranh. Khi con cháu ra ở riêng và làm nhà mới thì người chủ gia đình đều phải nhờ thầy vẽ lại tranh mới. Có như vậy, Vua và các thần mới phù hộ, che trở cho gia đình có cuộc sống bình an và làm ăn phát đạt, con cháu không bị ốm đau bệnh tật.
Theo ông Vượng để có một bức tranh thờ, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thầy cúng nhờ thầy xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thầy mo sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ xong thì tiến hành vẽ tranh. Khi các bức tranh được vẽ xong, gia chủ chuẩn bị lễ đến để trả tiền giấy và trả công thầy cúng, lễ vật tùy thuộc vào kinh tế và tấm lòng của gia chủ mà lợn, gà to hay bé để “rửa mặt” và “mở mắt” cho tranh.
Sau đó, ông Vượng chọn ngày để mang tranh đến tận nhà gia chủ và làm thủ tục treo tranh mới cho gia chủ. Mâm lễ cúng treo tranh mới hay còn gọi là Lễ Khai Quang của người Dao gồm: một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng... 1 giờ sáng, ông Vượng bắt đầu tiến hành làm lễ cúng. Tất cả các thủ tục, từ mổ lợn đến cúng và treo tranh người Dao đều được diễn ra trong đêm. Đến lúc mặt trời lên, gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con lối xóm mới đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ.
Chỉ tay vào bức tranh thờ vẫn chưa ráo mực ông Vượng cho biết, nội dung tranh thờ tùy thuộc vào gia chủ. Những bức tranh được dùng những ký tự riêng để vẽ vua và các thần gồm: Thần Ngọc Thanh (Tồ tác) là ông thần coi giữ bầu trời, thần Thượng Thanh (Lềnh pú) là ông thần coi giữ mặt đất, thần Thái Thanh (Lềnh sị) là ông thần coi giữ âm phủ…. Các nhân vật trong tranh tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ.
Trở về sau một ngày đi tìm hiểu về tranh thờ người Dao, điều đọng lại trong tôi đó là hình ảnh ông “Thầy” già người Dao cần mẫn suốt 3 tháng trời để vẽ được bộ tranh thờ và khập khễnh vượt qua những bản làng xa xôi để làm lễ cấp sắc giúp cho thanh niên trai làng Dao trở thành một con người có ích. Trong lòng ông luôn thầm mong ước rằng một sớm mai kia có ai đó là con em người dân tộc Dao gõ cửa xin làm lễ học vẽ tranh thờ, xin làm người kế tiếp giữ gìn bản sắc người Dao Tây Bắc.
Có lẽ, điều ước ấy sẽ trở thành hiện thực khi huyện Văn Chấn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong đó coi trọng việc bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc, chú trọng công tác tuyên truyền là để mọi người dân nhận thức sâu sắc các giá trị trong kho tàng văn hóa dân gian của địa phương.
NGUYỄN NHẬT THANH