Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

Thanh Phong - 15:35, 31/03/2025

Hiện nay nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những truyền thống văn hóa, tập quán sản xuất. Điều này làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. Nhiều sản phẩm đã trở thành thế mạnh của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành với nông dân trong xây dựng thương hiệu nông sản để quảng bá và vươn ra các thị trường lớn hơn.

Sản phẩm na Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn được quảng bá trong Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền diễn ra tại Hà Nội
Sản phẩm na Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn được quảng bá trong Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền diễn ra tại Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), Bộ Công Thương triển khai thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn cho các địa phương triển khai được các hoạt động: Đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN để đưa được hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều loại nông sảnđặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Do đó, thời gian qua, song song với việc tìm giải pháp tiêu thụ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp để xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này.

Bắc Kạn hiện là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Để có được điều đó cho thấy hiệu quả từ cách xây dựng thương hiệu bắt đầu từ triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm. Điển hình như các sản phẩm từ củ nghệ là minh chứng cho việc xây dựng thương hiệu bài bản của địa phương này. Thay vì làm manh mún, không thương hiệu, Bắc Kạn đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết trồng và chế biến củ nghệ.

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu
Sơ chế sầu riêng xuất khẩu

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, nhờ hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại công suất lớn vào sản xuất. Cùng với đó sản phẩm đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ bao bì, mã vạch theo quy định, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Không những vậy, đơn vị đã xây dựng được thương hiệu bằng quy trình sản xuất hiện đại, bảo đảm chất lượng nên các sản phẩm từ củ nghệ nếp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn và dành cho xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng nỗ lực định vị và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm mang tính đặc hữu. Tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý như: Miến dong; hồng không hạt; quả quýt; vịt bầu cổ xanh… và nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể: Gạo nếp khẩu nua lếch; chè shan tuyết Bằng Phúc; khẩu nua Pái Chợ Đồn; gạo bao thai Chợ Đồn; gạo nếp Tài Ba Bể...

Với các sản phẩm khi đã có thương hiệu, bao bì, nhãn mác, tỉnh tiếp tục hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ. Theo Sở Công thương, tỉnh đã tổ chức cho các chủ thể quản lý đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố, như: Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản ở Novaworld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận); hội chợ Công thương vùng Tây Bắc-Điện Biên năm 2024; hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; chương trình Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024…

Hoặc tại các địa phương, hiện có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lào Cai hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, chỉ dẫn địa lý Mường Khương - Bát Xát cho sản phẩm gạo Séng Cù…

Các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của các địa phương được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm mang giá trị kinh tế cho địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn hàng ngàn sản phẩm đặc trưng miền núi có chất lượng cao, có câu chuyện đẹp. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Các sản phẩm nông sản của đồng bào DTTS và miền núi được giới thiệu tại các hội chợ
Các sản phẩm nông sản của đồng bào DTTS và miền núi được giới thiệu tại các hội chợ

Chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điểm mạnh của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là “có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá”. Do đó, để xây dựng thương hiệu cũng không phải quá khó nếu gắn sản phẩm với tích truyện (những câu chuyện văn hóa), gắn với xu thế (câu chuyện xanh, lối sống, cách sống xanh, an toàn, nhân văn)…

Theo TS Võ Trí Thành, để có thể viết nên những câu chuyện, xây dựng được những thương hiệu cho sản phẩm vùng DTTS thì những doanh nghiệp, đồng bào ở đấy chưa đủ nguồn lực, chưa đủ năng lực để làm, chưa nói đến việc quảng bá. Do đó, cần có rất doanh nghiệp tầm cỡ tham gia hoặc cộng hưởng lực lượng từ “nhiều nhà” tham gia.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho đồng bào DTTS và miền núi, tiếp nối những kết quả đã đạt được Bộ Công thương triển khai Chương trình MTQG 1719 đặt ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi đi xa hơn, tham gia sâu vào thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới. Đây là một bước tiến mạnh mẽ cũng như là giải pháp đồng bộ khi trong Chương trình MTQG 1719, các Bộ, ngành và các địa phương đều được phân công những nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục
Để diêm dân Bạc Liêu “sống” được với hạt muối: Cần chính sách đủ mạnh (Bài cuối)

Để diêm dân Bạc Liêu “sống” được với hạt muối: Cần chính sách đủ mạnh (Bài cuối)

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực từ các dự án đầu tư và cách làm của bà con diêm dân trong việc duy trì nghề truyền thống ở Bạc Liêu, tuy nhiên, để nghề làm muối Bạc Liêu có thể hòa nhập theo xu hướng "kỷ nguyên vươn mình" của đất nước, với những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách đủ mạnh.