Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Trên đường tác nghiệp

Hiếu Anh - 19:37, 15/06/2021

Trong suốt hành trình công tác của mình, phóng viên các cơ quan báo chí nói chung, Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng tác nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS luôn gắn bó với cơ sở. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp báo chí cách mạng, góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển theo chân cán bộ cơ sở tác nghiệp tại thôn Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển theo chân cán bộ cơ sở tác nghiệp tại thôn Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Những kỷ niệm khó quên

Cho đến tận bây giờ, bản thân tôi vẫn nhớ như in chuyến công tác về buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk vào những ngày hè, nắng như thiêu như đốt 4 năm về trước. Từ Hà Nội lặn lội vào đất rừng Tây Nguyên, tôi liên hệ và may mắn được 1 cán bộ của Phòng Dân tộc đưa đến tận nơi công tác. Ea Nông B là 1 trong những những buôn được mệnh danh là khó nhất của khó, nơi người dân không chỉ nghèo mà còn có những hôm phải đứt bữa.

Đưa tôi xuống buôn, cán bộ Phòng Dân tộc huyện cùng tôi ra giữa cánh đồng cằn khô nắng cháy mà tác nghiệp. Tôi vẫn nhớ hôm đó, chúng tôi bất ngờ gặp một cụ bà người  Ê đê tên là H’Ran, ngoài 80 tuổi lầm lũi nhặt từng cục phân bò cho vào bao, với mục đích để bán lấy tiền kiếm sống. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân, anh em chúng tôi không khỏi ám ảnh. Lúc đó, chia sẻ chút tình cảm là, biếu bà cụ chút tiền mang theo công tác, rồi tự hứa với lòng mình, sau này sẽ đi cơ sở thật nhiều, nắm bắt thật nhiều thông tin để viết, để phản ánh thực tế cuộc sống của người dân.

Sau chuyến công tác đó, bản thân tôi đã có nhiều bài viết về khu tái định cư Vụ Bổn. Chính quyền địa phương cũng đã tiếp thu và vào cuộc từng bước tháo gỡ. Chúng tôi cảm thấy vui lên vì đã giúp được một cái gì đó, dù là rất nhỏ bé cho đồng bào DTTS.

Không chỉ vất vả, trong hành trình của mình, có những lần chúng tôi còn phải đối diện với cả hiểm nguy. Vào tháng 6/2018, tôi được Ban Biên tập phân công đến xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thực hiện loạt bài “Thiên tai không biết chờ đợi”. Về cơ sở, chúng tôi được anh Nguyễn Đức Long, cán bộ kiêm nhiệm công tác dân tộc ở xã Du Già dẫn đi thực địa tại thôn Khâu Đáy, nơi đang tiềm ẩn nguy hiểm từ thiên tai.

Đúng như lời giới thiệu của anh Long, để vào được thôn Khâu Đáy, chúng tôi phải lội qua 2 con suối, dưới chân là những hòn đá cuội trơn trượt, nước chảy rất siết. Đến được thôn, một chiếc giày của tôi cũng trôi theo dòng nước từ lúc nào không hay. Vậy là chúng tôi tới gặp bà con với 1 chân giày, 1 chân đất. Nhưng có sao đâu? Khi đã giành cho nhau sự chân tình, cởi mở thì đi cái gì thiết nghĩ không còn là điều quan trọng nữa.

Những người phụ nữ nghèo khổ ở buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk
Những người phụ nữ nghèo khổ ở buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk

Cho đi là nhận lại

Trong hành trình của mình, ngoài những kỷ niệm khó quên với cơ sở, chúng tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc khi được chứng kiến những đổi thay của từng bản làng hay từng phận người.

Cách 7 năm về trước, Báo Dân tộc và Phát triển từng phản ánh những thông tin rất đặc biệt về bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi sinh sống của 28 hộ đồng bào dân tộc Mảng (một trong 16 DTTS rất ít người của nước ta). Thời điểm ấy, 28 gia đình ở Nậm Củm đều thuộc hộ nghèo; tình trạng nghiện rượu và thuốc phiện trở nên vô cùng nhức nhối. Sau khi báo đăng tải, trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo “vực dậy” Nậm Củm.

Sau 7 năm trở lại, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã thấy Nậm Củm mang dáng vẻ khang trang hơn. Nhiều căn nhà mới, kiên cố đã được dựng lên. Điểm trường cấp mầm non và cấp tiểu học ở Nậm Củm đã được xây dựng kiên cố…

Hay như trường hợp của em Tao Thị Ón, dân tộc Lự (dân tộc có số dân dưới 10.000 người), ở bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Em Ón có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, em đã nỗ lực vươn lên, thi đỗ đại học với điểm số khá cao (23,5 điểm). 

Thế nhưng, do hoàn cảnh khó khăn, em đã phải bỏ học. Biết được hoàn cảnh của em, Báo Dân tộc và Phát triển đã liên hệ với trường đại học, để em được học lại và nhận đỡ đầu, hỗ trợ chi phí sinh hoạt ăn học hằng tháng của Tao Thị Ón.

Có thể nói, những sự thay đổi của từng nhân vật, từng bản làng ấy chính là những món quà, những động lực giúp chúng tôi thêm vững vàng trong sự nghiệp cầm bút.

Nghề báo nhiều vất vả, hy sinh và vẫn rình rập những hiểm nguy. Có những nhà báo đã hy sinh trên đường tác nghiệp, họ đã mãi mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ… Hay ngay lúc này đây, nhiều bạn bè đồng nghiệp của chúng tôi đang phải khoác lên mình 3, 4 tầng áo bảo hộ giữa thời tiết oi nóng, lao vào tác nghiệp trong vùng dịch Covid-19.

Dù vậy, những người làm báo hôm nay luôn chắc tay bút vững tin vào những điều tốt đẹp phía trước, nỗ lực mang thông tin từ vùng sâu, vùng xa đến gần hơn với độc giả...