Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Lai Châu: Còn nhiều thách thức

Hoài Dương - 16:00, 07/01/2020

Thiếu phòng học, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất… là những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu trong công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020 - 2021 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020 - 2021 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông mới, là chương trình học 2 buổi/ngày. Theo đó, hai môn học Tiếng Anh và Tin học chuyển từ tự chọn sang bắt buộc đang tạo ra thách thức lớn trong tuyển dụng giáo viên ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 

Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Tè (Lai Châu) chia sẻ, hằng năm huyện có nhu cầu tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, nhưng thực tế rất khó khăn. Đặc biệt, điều này lại càng trở nên khó khăn khi Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu hai môn Tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc (từ năm lớp 3), việc này tạo áp lực lớn đối với huyện trong việc đáp ứng đủ số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên. 

Theo Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, để triển khai hiệu quả, thuận lợi Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện toàn tỉnh Lai Châu còn thiếu 397 giáo viên, nhất là đối với một số môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học; Mỹ thuật; Âm nhạc. 

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết, sở dĩ việc tuyển dụng giáo viên một số môn ở bậc Tiểu học khó khăn, nhất là giáo viên Tiếng Anh là do quy định tuyển dụng bắt buộc phải tốt nghiệp sư phạm. Đặc biệt, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng cũng là một rào cản lớn, khi giáo viên bộ môn rất dễ tìm kiếm công việc khác với thu nhập cao hơn. 

“Với một địa bàn khó khăn như tỉnh Lai Châu, nếu không có chế độ đặc thù cho bộ môn Tiếng Anh thì khó thực hiện được mục tiêu như chủ trương chung đã đề ra”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu trăn trở. 

 Cùng với yêu cầu về đội ngũ giáo viên thì một phòng cho một lớp học, thiết bị dạy học cũng là một trong những điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu đang gặp khó, khi đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh còn thiếu 119 phòng học và thiếu 328 bộ thiết bị dạy học. 

Ngoài ra, với yêu cầu 100% cán bộ quản lý, giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ cũng đang là gánh nặng đối với ngành Giáo dục tỉnh, khi kinh phí tự chủ của đơn vị hạn hẹp, không đủ để chi trả cho công tác tập huấn, bồi dưỡng. 

Từ những vấn đề trên, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cũng đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của Bộ, giúp giáo viên làm quen, tránh bỡ ngỡ khi chính thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.