Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Triển khai chương trình SGK mới ở Điện Biên: Điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp khả năng của học sinh

Nam Hương - 11:12, 03/11/2020

Sau thời gian đầu triển khai giảng dạy sách giáo khoa (SGK) mới của lớp 1, năm học 2020 - 2021, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiến hành thảo luận, đánh giá về những nội dung liên quan đến tiết dạy, kiến thức… Các thầy, cô giáo cũng chủ động điều chỉnh phương pháp dạy sao cho phù hợp với khả năng học của học sinh, nhất là học sinh vùng DTTS.

Lớp học theo chương trình SGK mới ở Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông)
Lớp học theo chương trình SGK mới ở Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông)

Chủ động phương pháp, nội dung

Triển khai Chương trình SGK mới, Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn, huyện Mường Chà có 61 học sinh khối 1, trong số đó học sinh DTTS (Mông, Khơ Mú) chiếm 99%. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, bộ SGK mới này bên cạnh ưu điểm về tạo hứng thú cho người học, thúc đẩy giáo viên mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… thì quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với môn tiếng Việt. Một số bài dạy có 2 - 3 âm, vần âm, phần đọc có nhiều chữ là kiến thức hơi nặng khiến nhiều em không nhớ hết, trong khi kỹ năng đọc của học sinh đa số còn yếu. Vở bài tập nội dung kiến thức khó, chưa bám sát nội dung với sách học sinh. Trường có nhiều điểm trường lẻ, khó sắp xếp dạy môn hoạt động trải nghiệm; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu bộ đồ dùng thực hành toán, tiếng Việt, máy chiếu)…

Sau 1 tháng triển khai dạy học Chương trình mới, phía Nhà trường cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Chà đã tổ chức đánh giá, thảo luận về chương trình dạy học lớp 1, năm học 2020 - 2021. Nhiều nội dung liên quan đến tiết dạy, kiến thức… được các cán bộ quản lý, giáo viên cùng trao đổi, bàn bạc và thống nhất hướng triển khai phù hợp và hiệu quả. 

Cô Phạm Thị Kim Nhung, Tổ trưởng chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn cho biết: Giáo viên trường chúng tôi xây dựng kế hoạch bài dạy gắn liền với điều kiện cụ thể của lớp, với năng lực, khả năng học tập của học sinh; bố trí thời lượng phù hợp, giảng dạy không vượt quá khả năng nhận thức, kỹ năng đọc, viết của học sinh. Đối với các lớp có nhiều học sinh, giáo viên chia nhóm để dạy học và quan tâm nhiều hơn những em chậm tiếp thu… 

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Đầu tháng 10 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa tổ chức Hội thảo sinh hoạt chuyên môn cấp huyện về tổ chức hoạt động dạy học lớp 1 theo Chương trình giáo dục mới. Buổi Hội thảo ngoài tổ chuyên môn, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường tiểu học trên địa bàn, Phòng còn mời đại diện cha mẹ học sinh đến tham dự.

Qua tiết dạy thực hành môn tiếng Việt và môn Toán được thực hiện tại lớp bởi cô chủ nhiệm, Hội thảo đã tiến hành rút kinh nghiệm và nhận được sự chia sẻ của các bậc phụ huynh về những vất vả mà thầy, cô phải thực hiện hằng ngày trên lớp với số lượng học sinh đông, trên 30 em/lớp.

Cô Đào Thị Thuỳ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa) cho biết: “Thuộc địa bàn khó khăn, có đông con em đồng bào DTTS theo học, nhiều bố mẹ bận công việc nương rẫy, không hỗ trợ, bảo ban các con trong việc học ở nhà; các em cũng chưa nắm được hết bảng chữ cái, tô hình chưa tốt, nắm bắt nội dung còn chậm. Luyện viết chữ với các em đã khó, chưa kể hướng dẫn phần đọc hiểu và ghi nhớ… Bởi vậy, cần có thời gian và sự đồng hành sát sao hơn nữa của các bậc phụ huynh trong rèn luyện thêm cho con em ở nhà. Điều này quan trọng vì các em học sinh lớp 1 chưa thể tự học”.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng là thay đổi căn bản, toàn diện hướng tới hình thành nhân cách, khơi gợi năng lực cho học sinh ngay từ lớp 1. Việc triển khai giáo dục phổ thông mới rất cần sự đồng hành của các phụ huynh trong việc hỗ trợ con em mình tiếp cận chương trình học được thuận lợi nhất. 

Tin cùng chuyên mục