Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, toàn huyện có 22 trường học với 454 giáo viên và trên 5.700 học sinh. Do đặc thù cuộc sống của người dân còn khó khăn, trình độ người dân còn hạn chế, hằng ngày phải đi nương rẫy kiếm tiền lo cuộc sống nên lơ là trong việc giám sát con em học tập. Vì thế, đây là nỗi lo rất lớn của ngành Giáo dục từ khi các em nghỉ học do dịch.
Một trong những phương án ngành Giáo dục đưa ra là học trực tuyến. Thế nhưng, với điều kiện thiếu thốn như hiện nay, phương án này ít khả thi.
Khi được đề cập đến câu chuyện có ôn bài cho trẻ trong mùa dịch này không, chị Đinh Thị Bút, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây) cho biết: “Sách vở bọn trẻ trong nhà nó làm rách hết rồi. Chuyện tự học đã khó, bảo chúng học bài trực tuyến hay qua truyền hình càng khó hơn”.
Cùng suy nghĩ với chị Bút, anh Đinh Văn Von, thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, cho hay: Học sinh miền núi đa số là gia đình khó khăn. Máy tính bàn, Laptop, điện thoại thông minh không mấy ai có. Đó là chưa kể không phải nơi nào cũng lắp được chảo tivi hay bắt được mạng. Thầy cô liên lạc với phụ huynh vận động các em ra lớp, có khi còn mất sóng liên tục.
Ông Bùi Thế Giới, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây chia sẻ: Trong thời gian qua, kể từ khi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh từ các cấp và sau khi có thông tin cho học sinh nghỉ học, Phòng đã họp khẩn cấp các trường, tìm các hình thức ôn tập phù hợp với thực tiễn của từng trường. Qua đó, xét thấy chỉ có việc giao bài tập cho các em làm ở nhà là phương án khả thi nhất ở miền núi.
Không chỉ khó khăn trong thời gian nghỉ học, sau khi trở lại trường, nếu học sinh đồng bằng gặp khó khăn một, thì ở miền núi khó khăn gấp nhiều lần. Đặc biệt, với học sinh lớp mầm non và lớp 1 sẽ gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt. Nghỉ học dài ngày khiến vốn tiếng Việt ít ỏi các em đã học được gần như không còn nhớ gì.
Hiện nay, một số trường mẫu giáo đã cử giáo viên đến nhà để trực tiếp dạy tiếng Việt cho học sinh trong thời gian nghỉ học. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ-Niêng Lê Thị Thanh Nhị cho hay: Nhà trường có tham mưu với Phòng GD&ĐT, hằng tuần, các thầy cô giáo chia nhau đến khu vực mình phụ trách, phối hợp với trưởng thôn để tuyên truyền đến các phụ huynh, giáo viên về công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như tự bảo vệ mình trong thời gian nghỉ học. Ngoài ra, nhà trường còn cử giáo viên đến tận nhà để dạy cho các em.
“Những ngày nghỉ do dịch, giáo viên nhà trường còn bận rộn và lo lắng hơn cho các em. Tuy nhiên, các cô giáo đều rất vui vẻ vì việc học hành của các em cũng được cải thiện phần nào, thuận lợi hơn sau khi trở lại trường”, cô Nhị chia sẻ thêm.
Nhà trường có tham mưu với Phòng GD&ĐT, hằng tuần, các thầy cô giáo chia nhau đến khu vực mình phụ trách, phối hợp với trưởng thôn để tuyên truyền đến các phụ huynh, giáo viên về công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như tự bảo vệ mình trong thời gian nghỉ học”.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ-Niêng Lê Thị Thanh Nhị