Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Sỹ Hào - 14:00, 03/05/2023

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Sau hơn 1 năm triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến cả trong nhận thức lẫn hành động.

Đồng bào chung vui Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Đồng bào chung vui Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Vun đắp sức mạnh đoàn kết dân tộc

Một trong 6 nhiệm vụ được Tổng Bí thư nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, chung sức, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kết thúc năm 2022, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn lâm vào khủng hoảng thì Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đạt thắng lợi “kép”, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021.

“Có thể nói những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định như vậy tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 được tổ chức ngày 3/1/2023.

Phát triển văn hóa xứng tầm

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới thì phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Tổng Bí thư yêu cầu cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa.

Chỉ đạo của Tổng Bí thư được Chính phủ quán triệt ngay trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2023 được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP có mục thứ 5: “Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Cũng tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong 11 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện năm 2023, Chính phủ xác định rõ: Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; Nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, quan tâm hơn việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị thuần phong, mỹ tục, nhất là trên không gian mạng...

Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội là một nhận thức đúng đắn, sâu sắc, từ đó phát huy hiệu quả vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển toàn thể của con người, dân tộc, đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh của phát triển. Văn hóa có tác động trở lại đối với kinh tế và các lĩnh vực khác, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhằm triển khai kết luận của Tổng Bí thư, ngày 17/12/2022, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã được tổ chức tại Bắc Ninh. Hội thảo đã thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay. Trong đó phải sớm xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa; rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…".