Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Xây dựng đời sống văn hóa đồng bào DTTS là góp phần chấn hưng nền văn hóa dân tộc

Mạnh Hà - 07:26, 25/01/2023

Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”… “.

(báo tết) Xây dựng đời sống văn hóa đồng bào DTTS là góp phần chấn hưng nền văn hóa dân tộc

Theo đó, tại Hội nghị này, Tổng Bí thư cũng đã có những kết luận, chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Một năm đã trôi qua kể từ ngày Hội nghị diễn ra, nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Báo Dân tộc và Phát triển trân trọng chuyển tới độc giả nội dung cuộc trao đổi với PGs.Ts. Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về một số vấn đề xung quanh việc triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị này, đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa DTTS.

Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, theo PGs.Ts. với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết?

PGs.Ts. Vũ Thị Phương Hậu: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay yếu. Chính vì vậy, để “chấn hưng nền văn hóa dân tộc”, để “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” như tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, bên cạnh việc huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia xây dựng, phát triển văn hóa thì cần phải đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa. Đó là đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, đó còn là đội ngũ đông đảo những người sáng tạo và thực hành văn hóa.

Trước hết, cần quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong cả nước. Đây sẽ là bộ máy để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thứ hai là phải nghiên cứu điều chỉnh thể chế, chính sách đối với những người đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Những năm vừa qua, Đảng, Quốc hội, Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có chính sách đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, do sự vận động, biến đổi nhanh của đời sống thực tiễn, một số chính sách không còn phù hợp, do đó, cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh về phương diện chính sách theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, động viên những người đang hoạt động văn hóa tiếp tục cống hiến; thu hút, trọng dụng những người có năng lực, có chuyên môn tốt làm việc trong các cơ quan, tổ chức văn hóa; tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ ba, bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở cũng cần tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phải tính đến đặc thù của lĩnh vực này. Đây là những giải pháp vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược để có thể xây dựng nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Về vấn đề này, PGs.Ts. đánh giá ra sao về kết quả thực hiện nhiệm vụ này trong những năm qua (cả ở khía cạnh bảo tồn, phát huy và tiếp thu chọn lọc)?

PGs.Ts. Vũ Thị Phương Hậu: Bản sắc văn hóa là hồn cốt của dân tộc, do đó, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, trong thời gian qua (kể từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến năm 2022), chúng ta đã chú trọng đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thể chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, thể hiện ở Hiến pháp, hệ thống luật, các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… Hệ thống thiết chế văn hóa cũng như bộ máy quản lý văn hóa được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều chương trình quốc gia, nhiều dự án được tiến hành, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (2001 - 2015), Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (2015 - 2020)…

Kết quả là nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc đã được bảo tồn, trong số đó đã có một số di sản trở thành di sản văn hóa của nhân loại; giá trị của các di sản được khai thác, phát huy có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng bên cạnh đó, nhiều di sản cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn chưa đồng đều, có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Nguồn lực tài chính dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn hạn hẹp. Nguồn nhân lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng còn thiếu hụt cả về số lượng và tri thức, năng lực.

Một nền văn hóa dân tộc muốn vận động và phát triển thì một mặt phải biết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nội sinh, mặt khác, cũng cần phải tiếp thu những giá trị văn hóa ngoại sinh. Đối với việc tiếp thu các giá trị văn hóa ngoại sinh, chúng ta cũng đã chủ động hội nhập quốc tế, chủ động tiếp thu, tiếp biến một cách có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của nhân loại. Điều này đã làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa Việt Nam hội nhập với thế giới. Nhưng quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa cũng đặt ra rất nhiều thách thức, đó là nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống và hơn nữa là nguy cơ bị xâm lăng văn hóa.

Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc đã được bảo tồn, phát huy hiệu quả.
Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc đã được bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Tóm lại, trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, điều đó làm bộc lộ không ít hạn chế trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn. Đặc biệt, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Để giải quyết tận gốc sự chênh lệnh này, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho đồng bào DTTS, chúng ta cần có giải pháp như thế nào thưa PGs.Ts.?

PGs.Ts. Vũ Thị Phương Hậu: Thiết nghĩ, giải pháp đầu tiên vẫn phải là nhận thức. Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cho toàn xã hội về sự cần thiết phải quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Đây là những địa bàn có ý nghĩa trọng yếu đối với sự phát triển quốc gia. Quan tâm phát triển đời sống văn hóa của đồng bào ở địa bàn này góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

Giải pháp tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa (bao gồm cả nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội) tại các địa bàn này, kể cả nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất, hạ tầng văn hóa.

Giải pháp thứ ba là phải huy động được sự tham gia của chính đồng bào DTTS vào các hoạt động văn hóa. Người dân phải là những chủ thể chủ động, tích cực trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở, chủ nhân của những sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa. Muốn vậy, các chính sách, các chương trình, dự án văn hóa nói riêng, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung phải có sự tham gia của người dân, có tiếng nói của người dân.

Giải pháp thứ tư là các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa phải được đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của các vùng, của các địa phương. Văn hóa có mối liên hệ mật thiết với kinh tế, chính trị, xã hội. Chính vì vậy, để nâng cao đời sống văn hóa của vùng đông đồng bào DTTS, cần phải gắn liền với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị.

Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Sự phong phú, đặc sắc của văn hóa các tộc người làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, quan tâm xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào DTTS, khắc phục sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền là góp phần quan trọng vào việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc.

Trân trọng cảm ơn PGs.Ts.!

Tin cùng chuyên mục
Trái ngọt trên chiến trường xưa

Trái ngọt trên chiến trường xưa

Năm 2024, vừa tròn 7 thập kỷ dân tộc Việt Nam viết nên trang sử hào hùng bằng chiến thắng vĩ đại mang tên Điện Biên Phủ. Từ trong đau thương, mất mát. Hôm nay, có một Điện Biên đang tiếp tục lập nên những “chiến công mới” trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước.