Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Trở lại thung lũng Trăn

Uông Thái Biểu - 10:22, 08/04/2021

Rừng, tiếp rừng. Núi, rồi lại qua núi. Suốt dọc đường đi vẫn là thăm thẳm màu xanh hoang sơ và kỳ vĩ của đại ngàn. Hai mươi năm rồi đó, hôm nay tôi được trở lại với những người bạn người Chill (một nhánh dân tộc Cơ Ho) buôn K’long K’lanh Anh hùng - căn cứ qua hai cuộc kháng chiến (thuộc xã Đạ Cháy, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) dưới chân dãy Bidoup - một trong ba đỉnh núi cao nhất được mệnh danh là “nóc nhà”, là “điểm tựa tâm linh” của vùng đất Tây Nguyên…

Những nữ hướng dẫn viên du lịch người Chill buôn K'long K'lanh hôm nay.
Những nữ hướng dẫn viên du lịch người Chill buôn K'long K'lanh hôm nay.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, xưa lắm rồi, thung lũng nơi thượng nguồn dòng sông Đa Nhim này loài trăn nhiều lắm. Trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối lớn như Hung yau, Liêng sú, Đưng T’vó. Buổi đẹp trời, những con trăn lớn bé trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn phản quang lấp lánh dưới ánh nắng. Có thể vì lẽ đó, người Chill nơi đây gọi tên quê hương của mình là thung lũng trăn mà tiếng bản địa là “K’long K’lanh”…

Đang mải lan man về huyền thoại tên gọi vùng đất cổ, vùng đất Anh hùng với các đồng nghiệp trẻ đang cần tìm hiểu, chúng tôi đã đến đầu buôn K’long K’lanh tự lúc nào không hay. Văng vẳng trong trưa tĩnh lặng tiếng hát từ một nơi nào đó cất lên, mà lại là một giọng lẩy chèo mượt mà, làm chúng tôi ngạc nhiên và thú vị hết sức. Giữa thung lũng hoang sơ của buôn làng người Chill lọt thỏm giữa các dãy núi xa mờ Tây Nguyên bỗng được nghe khúc hát cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi và hai đồng nghiệp trẻ không khỏi lấy làm lạ và đi tìm người hát. Thì ra, đó chính là vị già làng khả kính Konsă Ha Chong. Già làng đang vui, gặp khách quý nên càng vui hơn.

Tại sao già biết hát chèo? - Tôi hỏi. Già chưa vội trả lời mà tiếp tục một điệu nói lối vui tươi :“Khi hoa đào ửng má chào Xuân - Khi hạt mưa rơi thấm tình đất nước - Cũng là lúc tiếng súng chiến trường vang dậy…”.

Ha Chong kể rằng, những điệu hát chèo ấy và cả quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ - Tĩnh nữa, già đã được những đồng đội quê miền Bắc dạy cho từ hồi còn “mồ ma thằng Mỹ”. Già Ha Chong có giọng hát khá mượt và đã từng hát trong những buổi lễ mừng công thắng trận, những cái tết chiến trường đã lùi về ký ức.

Theo dòng hồi tưởng của cụ già người Chill, chúng tôi như được sống trong không gian những năm tháng hào hùng cả nước ra tiền tuyến, anh em các dân tộc từ nhiều vùng quê Việt cùng sát cánh bên nhau chiến đấu cho một ngày nước nhà thống nhất. Hồi đó, già là cậu bé Ha Chong nhanh nhẹn, được bố là Ha Đưng - người đảng viên đầu tiên của vùng căn cứ kháng chiến dưới chân Bidoup - giác ngộ. Người cha ấy đã dạy Ha Chong đi làm giao liên, truyền tin cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng như Chế Đặng, Đinh Sỹ Uẩn...

Những năm 1967 - 1969, Ha Chong đã trở thành trạm trưởng một trạm trên tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam. Anh đã đứng ra tổ chức chiêu mộ hàng chục, hàng trăm trai gái trong các buôn làng đi cứu thương, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoạt động suốt tuyến quốc lộ 21, nối Nam Tây Nguyên với chiến khu D và Trung ương cục miền Nam. Đội quân ấy là những chiến binh dũng cảm của Đoàn H50 Anh hùng nổi tiếng một thời. Ha Chong cũng từng là Phó Bí thư Huyện đoàn Đơn Dương từ những ngày đất nước còn trong máu lửa. Hôm nay gặp già giữa rừng, giữa buôn làng cũ và những kỷ niệm một thời cũng tự nhiên trở về. Khi kể về quá khứ, già làng Ha Chong như trở lại với thời trai trẻ cùng đồng đội đi đánh đồn Thái Phiên, Chư K’longga, hay tập kích Trường Võ bị Đà Lạt - Trung tâm đào tạo quân lực của ngụy quyền Sài Gòn trong những ngày Xuân Mậu Thân 1968…

                                                                   * * *

Trong câu chuyện thân mật với vị già làng vui tính, người chiến binh dân tộc Cơ Ho- Chill năm xưa, tôi chợt hồi tưởng lại hình ảnh K’long K’lanh trong một chuyến công tác qua đây vào mùa lũ hơn hai mươi năm trước. Đó là một chuyến đi ghi lại những trang buồn trong cuốn sổ tay của người làm báo. Sau chuyến đi ấy, tôi đã phải viết một phóng sự đầy ắp chuyện không vui, kể về thân phận của một làng buôn, một căn cứ kháng chiến kiên trung với những con người từng hy sinh và tiếp tục thầm lặng chịu đựng hy sinh trong sự lãng quên sau mười mấy năm nước nhà không còn bóng giặc. Hóa ra, trang nhật ký phóng viên của tôi thời đó chưa phai màu mực mà nay đã trở nên lạc hậu lắm rồi. Hơn hai mươi năm, một sự đổi thay đáng kinh ngạc đã đến với người Chill K’long K’lanh. Như lời già làng Kon să Ha Chong: “Người Chill buôn mình nay đã hết khổ rồi…”

Thế hệ trẻ người Chill của buôn K'long K'lanh.
Thế hệ trẻ người Chill của buôn K'long K'lanh.

Đường lớn đã mở - một con đường lớn đã mở thực sự chứ không phải là một kiểu nói trừu tượng thường nghe. Con đường ấy đã đưa lối chúng tôi vào K’long K’lanh hôm nay một cách dễ dàng chứ không phải mò mẫm xuyên rừng như chuyến đi của mười năm trước. Đó là Tỉnh lộ 723 dài 141 km nối liền đô thị cao nguyên Đà Lạt với phố biển Nha Trang phóng tuyến xuyên qua giữa buôn K’long K’lanh. Con đường ấy với buôn làng người Chill dưới chân Bidoup như một huyền thoại. Nó chính là dấu ấn chấm dứt những năm tháng hoang vu, chìm đắm giữa đại ngàn. Tuyến đường mới, một tương lai tươi sáng đã và đang dần hiện ra trên vùng đất Anh hùng năm xưa.

Đường lớn mở, dòng điện cũng đã kéo về. Không còn cách trở nữa, K’long K’lanh đã tổ chức sản xuất hàng hóa, trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa và khám phá thiên nhiên hấp dẫn mang đậm dấu ấn Tây Nguyên trong Tour lữ hành từ biển lên rừng. Nhiều nhà đầu tư tìm đến K’long K’lanh và bây giờ nơi này trở thành một vùng sản xuất cá nước lạnh nổi tiếng trên bản đồ thủy sản Việt Nam. Nhiều hộ dân người Chill buôn làng này tham gia giữ rừng đầu ngưồn Đa Nhim, giữ Vườn Quốc gia Bidoup. Nhiều người trẻ tham gia làm xã viên Hợp tác xã cà phê mang tên Chappi. Họ vừa sản xuất cà phê sạch xuất khẩu, vừa là những hướng dẫn viên cho khách du lịch trong Tour khám phá rừng núi, buôn làng. Ngày xưa, khắp mảnh đất K’long K’lanh tràn ngập cỏ tranh, lạnh buốt những đêm gió hú, nay mát mắt bởi những vườn hồng, cà phê trĩu quả và những trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. Trên đồi, những đàn bò núng nính nối đuôi nhau gặm cỏ, tiếng lục lạc nghe thật vui tai...                                                       

Người Chill buôn K'long K'lanh tham gia sản xuất cà phê sạch.
Người Chill buôn K'long K'lanh tham gia sản xuất cà phê sạch.

Cứ mỗi lần về với vùng sâu, tôi thích được trọn vẹn sống trong không gian đêm rừng, và lần này cũng vậy. Đêm ở K’long K’lanh không còn hoang lạnh như ngày xưa nữa, dù bốn ngọn núi cao vây quanh thung lũng vẫn sừng sững uy nghi như chứng tích về sự biến động của mọi thời. Dù gió cao nguyên vẫn ràn rạt thổi về từ miền thẳm xa nào đó. Đường điện đã về đến đây từ nhiều năm trước, đêm nay buôn làng sáng choang ánh đèn. Chúng tôi cùng nhập vào buổi sinh hoạt giao lưu giữa chi đoàn buôn và chi đoàn giáo viên. Ngọn lửa thắp sáng giữa buôn, trước sân nhà sinh hoạt cộng đồng. Sự rụt rè, xa lạ được thay bằng không khí thân thiện. 

Những chàng trai, cô gái Chill buôn K’long K’lanh, những cô giáo, thầy giáo người Kinh và cả ba anh chàng nhà báo chúng tôi cùng vỗ ghi ta bập bùng và hát. Những bài ca cách mạng một thời lại vang lên giữa vùng đất chiến khu oai hùng năm xưa. Thấy vui, chị Ka Bin len vào và nói rằng, rất lâu rồi hôm nay mới lại thích hát. Chất giọng của người phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi vẫn ngọt ngào và vút cao khoẻ khoắn trong bài ca “Cô gái vót chông” lay động một thời. Tiếng hát ngày xưa thắp lửa cho người đi đánh giặc, nay xúc động nao lòng nhớ về quá khứ, làm cho những cư dân sống giữa đại ngàn hùng vĩ này vững tin và ấm lòng hơn trên đường tới ngày mai…

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “tà đạo” (Bài 2)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “tà đạo” (Bài 2)

Với đặc thù là vùng đất biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí còn hạn chế... nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, các hoạt động tà đạo, tệ nạn xâm nhập. Do vậy, việc kiên quyết đấu tranh với tội phạm, các hoạt động sinh hoạt đạo trái pháp luật...luôn được hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng công an chú trọng ngăn chặn bằng nhiều giải pháp. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS hiểu rõ cái xấu, không theo đạo lạ, chung tay giữ gìn bản làng bình yên.