Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Trồng rừng phòng hộ ở Điện Biên: Bài toán khó chưa tìm ra lời giải

VŨ LỢI - HÀ THUẬN - 14:48, 01/10/2019

Liên tiếp trong nhiều năm, tỉnh Điện Biên đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ, nguyên nhân là do thiếu vốn, chậm phân bổ vốn, suất đầu tư thấp... Năm nay, thời gian thuận lợi để trồng rừng hiệu quả cũng sắp kết thúc, nhưng địa phương vẫn chưa trồng được hec-ta rừng nào.

Ngoài nợ tiền trồng rừng thì suất đầu tư 15 triệu đồng/ha trong 4 năm, khiến người dân không mặn mà tham gia trồng rừng.
Ngoài nợ tiền trồng rừng thì suất đầu tư 15 triệu đồng/ha trong 4 năm, khiến người dân không mặn mà tham gia trồng rừng.

Đồng loạt “kêu khó” không trồng nổi rừng

Khi đề cập đến vấn đề trồng rừng hiện nay, đa số các huyện đều cho biết là rất khó thực hiện, vì không có vốn, chậm phân bổ vốn. Đây là lý do khiến Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) các huyện đang nợ tiền trồng rừng người dân và rất khó vận động để họ tiếp tục tham gia trồng, bảo vệ rừng hiệu quả.

Năm 2018, Điện Biên được giao trồng mới 400ha rừng phòng hộ. Nhưng khi kết thúc, các huyện chỉ thực hiện trồng được 67% kế hoạch giao (trong đó 131,8ha đã được nghiệm thu đủ điều kiện thanh toán). Tuy nhiên, đến hiện tại Ban QLRPH các huyện vẫn chưa có kinh phí để thanh toán cho người trồng. 

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban QLRPH huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Với chỉ tiêu giao trồng 70ha rừng phòng hộ trong năm 2018, cán bộ, nhân viên Ban QLRPH huyện đã tích cực về cơ sở tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân. Nhưng đến nay, đã sắp qua một mùa trồng rừng nữa, mà Ban vẫn chưa được bố trí vốn để thanh toán cho người dân. Tổng số tiền Ban nợ người trồng rừng lên đến gần 2 tỷ đồng”.

Với huyện Ðiện Biên, có điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai trồng rừng, thì năm nay, việc thực hiện chỉ tiêu mới cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bên cạnh nguyên nhân nợ công trồng rừng, thì người dân có ý kiến là, suất đầu tư quá thấp, nên không mặn mà. Từ năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, mỗi héc-ta trồng rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng, bao gồm cả công chăm sóc, bảo vệ trong 4 năm. Hầu hết, chỉ năm đầu tiên người dân nhiệt tình. 

Các diện tích trồng rừng thường nằm tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn… nên người dân ngại tham gia. Ngoài ra, tập quán sản xuất, đời sống kinh tế của người dân vẫn dựa chủ yếu vào làm nương, trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp, nên họ lo sợ khi trồng rừng phòng hộ sẽ mất đất sản xuất.

Thiếu vốn không chỉ khiến những người đã tham gia cũng thấy chán nản, giảm sút niềm tin với dự án, mà cán bộ Ban QLRPH các huyện mệt mỏi. Ông Lò Văn Piến, Trưởng bản Tin Tốc, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà cho biết: “Khi Ban QLRPH huyện xuống triển khai kế hoạch trồng rừng tại bản, giải thích cặn kẽ lợi ích, quyền lợi người trồng rừng, rất đông người dân đồng thuận. Trong quá trình thực hiện, bà con tuân thủ đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống đạt hơn 85%. Cả bản có 21,35ha đều được nghiệm thu, đủ điều kiện thanh toán. Vậy mà đã hơn một năm chờ đợi, chưa ai được nhận tiền trồng rừng”.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Theo bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Điện Biên thì, tình trạng thiếu vốn trồng rừng hoặc nguồn vốn phân bổ chậm đã diễn ra nhiều năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch trồng rừng hằng năm không đạt. So với các năm trước, tình hình năm 2019 cũng không mấy khả quan hơn. Đến bây giờ các huyện vẫn đang “ngóng” vốn ngân sách nhà nước. Và hiện tại, kế hoạch trồng 120ha rừng phòng hộ của tỉnh vẫn… nằm trên giấy.

Ðể tháo gỡ khó khăn, tỉnh Điện Biên đã đề nghị các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vốn thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến phúc đáp.

Ðiện Biên là tỉnh miền núi, có diện tích rừng chiếm tới 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong tổng diện tích đã quy hoạch rừng phòng hộ 416.163ha, hiện còn 189.905ha (chiếm 45,63%) là đất chưa có rừng. Bởi vậy mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ trên diện tích rừng phòng hộ nói riêng và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh nói chung rất quan trọng. Với khó khăn hiện tại trong công tác trồng rừng phòng hộ, UBND tỉnh Ðiện Biên cần chỉ đạo các ngành liên quan chung sức cùng ngành Nông nghiệp tìm giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.