Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trước ngày Giỗ Tổ

PV - 19:13, 14/04/2019

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca dao ấy vang vọng hàng ngàn năm nay chưa bao giờ dứt. Ngày Giỗ Tổ là dịp nhắc nhở người dân Việt Nam từ Bắc tới Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ người dân trong nước hay những kiều bào xa xôi, chúng ta có chung nguồn gốc con Lạc cháu Hồng…

Xây dựng Lễ hội đền Hùng thành lễ hội mẫu mực cho cả nước. (Trong ảnh: Các tổ chức đoàn thể đang dâng hương tại Đền Hùng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương). Ảnh: TL Xây dựng Lễ hội đền Hùng thành lễ hội mẫu mực cho cả nước. (Trong ảnh: Các tổ chức đoàn thể đang dâng hương tại Đền Hùng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương). Ảnh: TL

Đường về cội nguồn

Những ngày đầu tháng Tư, trong cái nắng nhuộm vàng, các ngả đường vào TP. Việt Trì, từ huyện Lâm Thao, Phù Ninh… tỉnh Phú Thọ dường như nhỏ lại bởi lượng xe, lượng người đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng nhiều.

Dọc tuyến đường Hùng Vương lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ban ngày những lá cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn, áp phích rực rỡ sắc màu. Tối đến, những ánh đèn đủ các màu lấp lánh, tỏa sáng khắp cả Thành phố, góp vào bầu không khí náo nhiệt, chào mừng ngày hội lớn sắp diễn ra nơi đây.

Hòa vào dòng người đông đúc, bước chân chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, bà Bùi Thị Hậu, dân tộc Mường xúng xính trong bộ trang phục truyền thống chia sẻ: “Để tránh đông người vào ngày chính giỗ (10/3 âm lịch) cứ đầu tháng Ba âm lịch, chúng tôi lại về Đền Hùng thắp nén hương thơm tri ân các Vua Hùng cầu mong cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng… Bà bảo, rất mừng Đền Hùng bây giờ rộng, khang trang, bề thế rất thuận lợi để bà con được trở về với cội nguồn.

Bà Thạch Thị Kiều, đến từ Sóc Trăng cũng theo bước chân của người dân về tề tựu nơi đất Tổ. Bà Kiều cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi Đền Hùng, khung cảnh ở đây thật trang nghiêm, dù mang vẻ hoang sơ nhưng lại rất ngăn nắp. Đặc biệt, những con đường, bậc lên xuống từ cổng chính lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh được đầu tư bề thế, rất sạch sẽ và an toàn. Dù ở miền Nam xa xôi về đất Tổ, chúng tôi thấy thật gần gũi quen thuộc”.

Lực lượng CSGT phân luồng phục vụ Lễ hội. Lực lượng CSGT phân luồng phục vụ Lễ hội.

Hướng đến một Lễ hội mẫu mực

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, Lễ hội Đền Hùng đã vượt qua phạm vi của một địa phương, trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc. Cũng vì lẽ đó, Lễ hội Đền Hùng không chỉ là Lễ hội tiêu biểu mà còn được kỳ vọng trở thành một Lễ hội mẫu, mô phạm để cả nước noi theo.

Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 do tỉnh Phú Thọ chủ trì, với sự tham gia góp giỗ của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La và được tổ chức trong ba ngày (từ 13-15/4, tức ngày 8-10/3 năm Kỷ Hợi) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các xã, phường lân cận.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để Lễ hội diễn ra an toàn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã họp chỉ đạo các sở, ngành tập trung tăng cường an ninh trật tự, bảo đảm “năm không”: không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo đó, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2019 yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng, các huyện, thành, thị tập trung cao độ tổ chức thành công Giỗ Tổ với mục tiêu đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Năm nay, phần lễ chính gồm Lễ Giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương.

Phần hội, Ban Tổ chức xây dựng một chương trình hấp dẫn với nhiều hoạt động như lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật; bắn pháo hoa; hội trại văn hóa các huyện, thành thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương-TP. Việt Trì…

Đặc biệt, phần hội năm nay có ba hoạt động mới là hát giao lưu tại khu vực ngã 5 Đền Giếng và Hồ Mai An Tiêm-Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại TP. Việt Trì; tổ chức các hoạt động tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương.

“Trong những năm qua, Khu di tích cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động văn hoá ngày càng quy củ, chặt chẽ, nền nếp. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực, quy mô, bài bản, trang nghiêm, thành kính ở phần lễ và phong phú, hấp dẫn ở phần hội”, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).