Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Trưởng thôn Khe Sán với mong ước làm giàu cho người dân ở xã bốn không

Văn Hoa - 13:29, 06/11/2022

Thôn Khe Sán, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) nằm ở lưng chừng núi, chủ yếu là người Dao và người Mông sinh sống. Đây là thôn “4 không”, không điện, trường, trạm, không sóng điện thoại, đường đi lại khó khăn. Với mong ước tiến kịp vùng xuôi, bà con thôn Khe Sán đã đặt niềm tin vào lớp trẻ, lựa chọn anh Triệu Văn Nhất, dân tộc Dao để lãnh đạo thôn phát triển .

Anh Triệu Văn Nhất và con đường vào thôn Khe Sán
Anh Triệu Văn Nhất trên con đường vào thôn Khe Sán

Đi lên từ nghèo khó

Về Châu Quế Thượng đúng ngày mưa, do đường vào thôn trơn trượt, không thể đi được, nên việc vào Khe Sán phải dời đến ngày hôm sau. Sáng sớm, tôi được anh Triệu Văn Nhất, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn đưa tôi vào thôn.

Qua vô số lần "ớn lạnh" vì những đoạn đường dốc trơn trượt, lội qua những đoạn suối vắt ngang đường nước chảy xối xả, chúng tôi cũng vào được thôn Khe Sán. Anh Nhất giới thiệu, thôn Khe Sán có 72 hộ dân, trên 300 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông và Dao. 

Nhà anh Nhất đẹp nhất thôn, rộng chừng hơn 150m2. Tiếp chúng tôi tại phòng khách, Nhất kể chuyện xưa của gia đình và thôn Khe Sán, về khó khăn và những nỗ lực học tập, làm giàu, về ngày đáng nhớ nhất cuộc đời khi được bầu là Trưởng thôn.

Nhất kể, những năm 2012 trở về trước, Khe Sán nghèo lắm, người dân chỉ quanh quẩn cây ngô, cây sắn nên thôn có tới 80- 95% là hộ nghèo. Gia đình Nhất cũng vậy, nhà có hai anh em, đứa em gái còn đi học, bố mẹ thường xuyên ốm yếu, bố thì bị tai biến phải ngồi xe lăn. Là anh cả, Nhất cùng mẹ mang trọng trách chèo chống cả gia đình.

Không chịu sống trong cảnh thiếu thốn, Nhất và mẹ nỗ lực làm đủ mọi thứ để có nhiều nguồn thu nhập: chăn nuôi, trồng quế, trồng rừng; tranh thủ thêm cây sắn, cây ngô xen vào những cây lâu năm…Nhờ đó, mà kinh tế gia đình dần ổn định và khá giả hơn.

Anh Triệu Văn Nhất (áo trắng ôm hoa) mặc dù còn trẻ nhưng được người dân Khe Sán tin tưởng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong thôn
Tuổi còn trẻ nhưng anh Triệu Văn Nhất (áo trắng ôm hoa) được người dân Khe Sán tin tưởng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong thôn

Nhất kể, khó khăn là thế, nhưng anh vẫn dành thời gian cho các hoạt động đoàn thể, được thanh niên tín nhiệm bầu là Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn. Và đặc biệt, anh vẫn cố gắng học hết lớp 9.

18 tuổi được bầu làm Trưởng thôn

Nhất đưa tôi đi dạo 1 vòng quanh thôn, gặp đám trẻ nhỏ người Mông đang nghịch đất bên đường, anh hỏi han và dặn dò các cháu trở về nhà kẻo trời mưa. Rồi đến thăm hộ gia đình ông Cư Seo Lầu, người Mông; động viên bà con Nhân dân đi cấy cho đúng mùa vụ để tăng năng suất;... Qua cách trao đổi thân tình, tôi hiểu được phần nào sự gần gũi, sẻ chia của một cán bộ trẻ đi lên từ nghèo khó.

Trên đường đi Nhất kể, năm 2012, sau cuộc họp thôn, người dân đã giới thiệu và bầu anh làm Trưởng thôn. Khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi.

Vừa tròn 18 tuổi, anh Nhất (bên phải) đã được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn với mong muốn đưa thôn phát triển đi lên
Vừa tròn 18 tuổi, anh Nhất (bên phải) đã được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn với mong muốn đưa thôn phát triển đi lên

“Ban đầu mình sợ lắm, bởi nghĩ tuổi còn trẻ sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ. Nhưng khi được những người cao niên trong thôn, lãnh đạo xã và đặc biệt là bà con Nhân dân tin tưởng, động viên, họ nói “mình phải làm mới biết, không làm không biết”, do đó mình cũng phải cố gắng mà làm”, anh Nhất bộc bạch.

Nhận thấy bản thân còn trẻ, cách nhìn nhận vấn đề chưa sâu nên Nhất đã cố gắng học hỏi từ những người đi trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Năm 2013, anh quyết định đi học cấp 3 để có thêm kiến thức đáp ứng được công việc.

Nói về những ngày đầu làm Trưởng thôn, Nhất bộc bạch: Trưởng thôn rất nhiều việc, dù ngày hay đêm, hễ có chuyện gì lớn nhỏ mình đều phải có mặt để kịp thời xử lý. Khi ấy đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, bà con chủ yếu là người Dao và người Mông nên nhận thức còn nhiều hạn chế, nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, vấn đề bình đẳng giới, nhiều vấn đề tranh chấp đất đai rất phức tạp…

Tôi hỏi, mình trẻ tuổi như vậy, liệu nói bà con có nghe?

Nhất gãi đầu và mủm mỉm cười, bản thân em đi lên từ nghèo khó, hiểu được những khó khăn mà người dân đang gặp phải, cũng hiểu được tâm tư bà con nên thấy cái gì có lợi cho dân thì mình cố gắng làm. Vì thế mà người dân luôn động viên, ủng hộ. Năm 2018, anh được Nhân dân bầu là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, công việc cũng vì thế mà cũng nhiều hơn.

Theo Nhất, dù mình có nói hay đến mấy, nhưng để người dân tin và làm theo, bản thân cũng phải nỗ lực để làm gương. Ví dụ như trong phát triển kinh tế, không loay hoay với  việc sản xuất nông nghiệp, mà phải tính đến việc làm thế nào có thêm thu nhập. Chính vì vậy, anh Nhất đã đầu tư thêm máy xúc vừa  để phục vụ sản xuất cho gia đình, khi bà con trong thôn xóm cần có thể làm dịch vụ để có thêm nguồn thu nhập.

Để có được sự thành công của hiện tại là những nỗ lực không ngừng nghỉ mà anh Nhất đã và đang cố gắng (Trong ảnh, anh Nhất hạnh phúc bên gia đình)
Để có được sự thành công của hiện tại là những nỗ lực không ngừng nghỉ mà anh Nhất đã và đang cố gắng (Trong ảnh, anh Nhất hạnh phúc bên gia đình)

Những câu chuyện thôn xóm, những khó khăn và những trải nghiệm thú vị của anh cán bộ mặt trận trẻ người Dao tại vùng đất “4 không”, mới hiểu thêm phần nào về những khó khăn của đồng bào sinh sống ở vùng miền núi; và hơn hết là sự cố gắng, tận tụy của đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có anh Triệu Văn Nhất trong việc giải quyết những vấn đề dân sinh, những khó khăn, bức xúc của người dân ở cơ sở…

Sướng khổ cùng dân

Nhất nói, trước kia một phần vì nghèo khó nên trong thôn Khe Sán thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực gia đình, cuộc sống vợ chồng thường nảy sinh mâu thuẫn. Các vụ tranh chấp đất đai cũng xảy ra thường xuyên, dù toàn các vụ nhỏ, nhưng là cán bộ mặt trận, mình phải có cách xử lí khéo léo, thấu tình đạt lý thì người dân mới nghe theo.

Nhất nhớ như in ở thôn có hai anh em ruột, một người trồng quế trước, còn người trồng sau đốt nương làm cháy mất quế nhà trồng trước, thế là hai hộ xảy ra xích mích, cãi nhau. Khi nắm được sự việc, anh đã động viên hai gia đình, tìm ra lỗi của từng bên, xác định ra bên sai, bên đúng, giải thích cho họ hiểu và bên sai phải bồi thường cho bên đúng, các bên đều nhất trí thì mới được, chứ không được làm đơn từ vượt tuyến.

Hay như, trước kia, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn, để giải quyết vấn đề này, anh thường đưa ra trước các buổi họp thôn, phân tích tác hại của tảo hôn. Có lúc đỉnh điểm, khi nắm được thông tin, trường hợp nào sắp tổ chức lễ cưới, mà không đủ tuổi kết hôn, thì anh và các tổ chức đoàn thể đến từng gia đình để phổ biến, kí cam kết, nhờ đó mà đến nay tình trạng này đã giảm bớt.

Theo anh Nhất, kinh tế phát triển sẽ giúp giải quyết các vấn đề hạn chế trong thôn. Do đó, anh đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương bàn bạc, phân phối công bằng các nguồn lực hỗ trợ sinh kế của Nhà nước; vận động Nhân dân tăng gia sản xuất, trồng cây ngắn ngày xem kẽ cây lâu năm; nhờ đó đời sống người dân dần khá hơn.

Cuộc sống người dân thôn Khe Sán còn nhiều khó khăn, họ mong muốn thế hệ trẻ bằng trí tuệ và sự nhiệt huyết đưa thôn phát triển tốt hơn
Cuộc sống người dân thôn Khe Sán còn nhiều khó khăn, họ mong muốn thế hệ trẻ bằng trí tuệ và sự nhiệt huyết đưa thôn phát triển tốt hơn

Thấy cây bụi bên đường đã rậm rạp, gặp người dân, anh Nhất dặn mọi người thứ 7 tuần này sẽ tập trung phát quang đường để thuận tiện đi lại và để cho các cháu đi học dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng đường bê tông từ xã vào thôn, nhờ anh Nhất  tích cực đứng ra vận động nên Nhân dân đã hưởng ứng nhiệt tình việc hiến đất, bỏ ngày công để làm đường.

Với những việc làm, kết quả  đạt được, người cán bộ trẻ Triệu Văn Nhất đã được nhận nhiều giấy khen biểu dương của các cấp. Tuy nhiên, Nhất nói, điều anh vui nhất là đời sống bà con dần ổn định, nhiều hộ nghèo trở nên khá giả và anh tiếp tục được bà con tin yêu, tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân xã Châu Quế Thượng, trưởng thôn. 

Nhận xét về anh Nhất, ông Đặng Văn Lả, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng cho biết: anh Triệu Văn Nhất là một tấm gương đảng viên trẻ tuổi năng động, một cán bộ Mặt trận có uy tín với cộng đồng, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là một trong những lý do anh Nhất được bà con tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và từ năm 2018 đến nay, giữ chức  Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn Khe Sán.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.