Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Trường vùng cao nỗ lực vượt khó vào năm học mới

Kim Anh - 11:43, 23/08/2022

Những ngày này, các trường học trên cả nước đều đang gấp rút cho công tác chuẩn bị năm học mới. Đặc biệt, ở các tỉnh vùng DTTS, miền núi, các thầy cô giáo, đang cùng góp sức chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đồng thời hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập… cho học sinh vùng khó khăn, học sinh nghèo.

Trường THCS &THPT Bát Xát (Lào Cai) tu sửa chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023
Trường THCS &THPT Bát Xát (Lào Cai) tu sửa chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023

Đảm bảo cơ sở vật chất

Từ trung tâm huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi trên con đường dốc đứng với nhiều khúc cua gấp đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, chúng tôi mới đến được điểm trường Tiểu học Nàn Xỉn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Những ngày này, các thầy cô giáo trong trường đang gấp rút dọn dẹp lớp học, chỉnh trang khuôn viên… để sẵn sàng cho năm học mới.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nàn Xỉn cho biết: Năm nay nhà trường có hơn 450 em học sinh, phân bố ở 1 điểm trường chính và 7 điểm lẻ tại các thôn. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã chỉnh trang tu sửa lại cơ sở vật chất, bảo đảm đủ phòng học và đồ dùng học tập cho các em học sinh.

Đặc biệt, năm nay có 235 em học sinh ở bán trú, nên công tác chuẩn bị đầu năm học được chú trọng tới việc sửa sang chỗ ở, làm sạch lại chăn màn, đóng lại phản nằm ngủ, huy động thêm chăn đắp mới cho học sinh chuẩn bị bước vào mùa rét. “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu quần áo, dày dép, chăn màn… cho học sinh ở bán trú, giúp các em có giấc ngủ ngon hơn”, thầy Hiệp cho biết.

Theo thầy Hiệp, năm nay là năm áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học, học sinh lớp 3 sẽ bổ sung môn Tiếng anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc. Trước vấn đề trên, nhà trường đã cử 1 thầy giáo trong trường học và bổ sung thêm văn bằng hai môn Tin học và thuê thêm 1 giáo viên dạy Tiếng anh ở trường cấp THCS để bổ sung đủ số lượng giáo viên đem lại chất lượng học tập hiệu quả trong năm học tới.

Các thầy cô giáo tích cực trang trí lại khuôn viên trường học
Các thầy cô giáo tích cực trang trí lại khuôn viên trường học

Chú trọng vận động để đảm bảo sỹ số học sinh

Cô Ma Thúy Ngần - Trường THCS xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Hầu hết các giáo viên trong trường đều đến ở các địa phương khác nhau. Cách đây khoảng 1 tháng giáo viên trong trường đã tập trung lại dọn dẹp, sửa sang trường học, chuẩn bị sách vở đồ dùng học tập cho các em học sinh nhập học vào đầu tháng 9 tới.

Từ Trường THCS&THPT Bát Xát (Lào Cai), thầy Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Giáo viên đã quay lại trường từ ngày 20/8 để làm các công tác chuẩn bị cho năm học mới và đón học sinh tập trung từ 25/8. Các công việc chính được tập trung tiến hành gồm: Trang trí lại cảnh quan trường học, chuẩn bị lại phòng ở nội trú, kê dọn lại giường chiếu, làm sạch chăn màn. Dọn sạch bếp ăn học sinh, chạy đường điện, nước, vệ sinh hệ thống bể chứa nước...

Theo thầy Quế, năm nay nhà trường có 670 em học sinh, hơn 400 em học sinh ở bán trú. Nhiều năm gần đây không còn tình trạng học sinh bỏ - trốn học sau kỳ nghỉ Hè. Tuy vậy, một vài trường hợp cá biệt đến trường vài hôm lại nghỉ, giáo viên phải gọi điện nhắc nhở, can thiệp để gia đình đốc thúc trò đi học lại. Do đó, để bảo đảm học trò trở lại trường lớp đạt tỷ lệ 100% vào ngày tựu trường và khai giảng, ban giám hiệu luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ trước với gia đình, địa phương nơi học sinh cư trú để động viên, nhắc nhở.

“Năm nay khối học sinh lớp 7 và lớp 10 sẽ học theo chương trình mới, nên các thầy cô giáo thời gian này sẽ tập trung vào chuyên môn, ôn lại củng cố kiến thức cho học trò. Thầy cô, nhà trường càng chuẩn bị kỹ càng bao nhiêu (từ vệ sinh trường lớp, củng cố kiến thức, vận động đi học, chuẩn bị sẵn sàng lương thực thực phẩm…) thì học trò bước vào năm học mới với tâm thế vững vàng bấy nhiêu”, thầy Quế cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.