Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Truy cứu trách nhiệm để rừng bị phá ở Ea Súp (Đăk Lăk): Đánh bật tư duy “hạ cánh an toàn”

Sông Cài - 10:43, 29/05/2020

Chỉ trong vòng chục năm, hàng nghìn ha rừng tại huyện Ea Súp (Đăk Lăk) bị cạo trọc. Cơ quan chức năng bước đầu xác định, các chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, tiền thân của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đăk Lăk
Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, tiền thân của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đăk Lăk

Khoảng gần 10 năm về trước, rừng ở huyện biên giới Ea Súp bạt ngàn, được ví như “lá phổi” của tỉnh Đăk Lăk. Hàng trăm nghìn ha rừng ở Ea Súp lúc đó được giao cho 4 “chủ rừng” là: Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh, Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp và Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ.

Tuy nhiên, do các chủ rừng buông lỏng quản lý đã khiến tình trạng tranh chấp, buôn bán đất rừng trái phép diễn ra thường xuyên, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị cạo trọc được thay bằng các loại cây công nghiệp như, cà phê, tiêu, điều…

Đơn cử, tại Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh, theo xác minh của Thanh tra tỉnh Đăk Lăk, vào năm 2009, chủ rừng này được UBND tỉnh giao quản lý gần 14.000ha tại xã Ea Rốk và Cư K’bang. Thời điểm được giao là rừng giàu, nhưng từ 2012 - 2016, Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh đã để người dân xâm canh tới 2.270ha, trong đó có 1.626ha rừng tự nhiên. 

Tại 3 công ty lâm nghiệp còn lại, tình trạng cũng chẳng khá hơn, khi hàng ngàn ha rừng tự nhiên cũng đã bị xâm canh, xâm lấn trái phép, nhường chỗ cho các cây công nghiệp dài ngày. Dù để mất hàng nghìn ha rừng nhưng không hiểu sao, nhiều lãnh đạo chủ chốt của các chủ rừng thời kỳ nói trên (2012 - 2016) chỉ bị kỷ luật nhẹ nhàng rồi “hạ cánh an toàn” đến mức dư luận phải nghi ngờ. Người dân địa phương đều mong muốn cơ quan chức năng phải truy cứu trách nhiệm rõ ràng. 

Anh N.V.V, người dân huyện Ea Súp, cho biết, anh và gia đình từ phía Bắc vào đây lập nghiệp từ lâu. Theo anh V. cách đây chừng 10 năm rừng Ea Súp vẫn đang còn nhiều, lâm tặc chỉ lấy gỗ nên rừng bị mất không đáng kể. Nhưng vài năm trở lại đây tình trạng xâm lấn đất rừng làm nương rẫy xảy ra liên tục, thậm chí đánh chém nhau làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. 

“Điều chúng tôi băn khoăn là các chủ rừng lại bình an vô sự một cách lạ lùng. Tôi thấy cần phải có Công an vào cuộc làm rõ việc mất rừng này trách nhiệm thuộc về ai?, Không thể “đánh trống bỏ dùi” hoặc tư duy “hạ cánh an toàn” như lâu nay vẫn diễn ra”, anh V. cho hay.

Mong muốn của người dân huyện Ea Súp mới đây đã được đáp ứng, khi Công an tỉnh Đăk Lăk đề xuất UBND tỉnh này cho tiến hành điều tra việc: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Công ty Lâm nghiệp: Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp và Ea H’mơ. Ngày 4/5/2020 UBND Đăk Lăk đã có văn bản thống nhất đồng ý để Công an tỉnh vào cuộc xác minh điều tra, làm rõ để xử lý trước pháp luật. 

Việc UBND tỉnh Đăk Lăk đồng ý cho cơ quan Công an vào cuộc điều tra là một quyết định hợp lòng dân. Những sai phạm của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị rồi đây sẽ bị xử lý đúng người đúng tội và là tiền đề cho việc đánh bật tư duy “hạ cánh an toàn”.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.