Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Truyền nhân của những điệu múa võ khèn

PV - 15:30, 11/02/2019

Thời trai trẻ, đi thi đấu múa khèn ở khắp các đỉnh núi của người Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì..., ông đều không có đối thủ. Nay 77 tuổi, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông thấy tiếc cái hay, cái đẹp của môn múa võ mà tổ tiên dày công xây dựng nên đã “tái xuất giang hồ” với mong muốn, dòng võ múa khèn còn ở lại với người Mông. Ông là Lý Seo Hồ, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

13 năm luyện võ thành tài

Cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) những ngày cận kề Tết Kỷ Hợi 2019 rực rỡ sắc màu từ các loài hoa lan, hoa hồng, hoa cúc và trên cả những trang phục của thiếu nữ người Mông. Đến với Bắc Hà dịp này, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ, đầy sắc Xuân đó, du khách sẽ còn đắm chìm trong tiếng khèn Mông dìu dặt. Thú vị hơn nữa khi được chiêm ngưỡng điệu múa võ khèn, võ sênh tiền vô cùng độc đáo do thầy trò nghệ nhân Lý Seo Hồ biểu diễn.

Ông Lý Seo Hồ với một bài quyền khèn độc đáo. Ông Lý Seo Hồ với một bài quyền khèn độc đáo.

Nhắc đến điệu múa võ khèn của người Mông, không thể không nhắc tới “cao thủ” Lý Seo Hồ. Năm nay, ông đã sống qua 77 mùa Xuân, ông nói, vùng đất cao nguyên trắng Bắc Hà ngày trước, từng được coi là một lò luyện võ nức tiếng của đồng bào Mông. Bởi để biết múa võ khèn, hay múa võ sênh tiền, phải luyện được võ trước. Nghệ nhân Lý Seo Hồ kể, năm lên 10 tuổi, Lý Seo Hồ đã theo cha, theo ông học những bài quyền đầu tiên. 13 tuổi, cậu bé Lý Seo Hồ đã nổi tiếng là cậu thiếu niên có sức khỏe dẻo dai, học được hơn 50 bài quyền.

Nhưng lúc đó, Lý Seo Hồ cho rằng, thế vẫn là chưa đủ. Với tinh thần chinh phục đỉnh cao, một ngày nọ cậu thiếu niên của Bản Phố đã âm thầm khoác hành lý ra đi đến vùng cao Si Ma Cai, tìm đến từng hang cùng, ngõ hẹp để tìm thầy học võ, thậm chí sang cả Trung Quốc để học.

Theo lời nghệ nhân Lý Seo Hồ, những năm 40, 50 của thế kỷ trước, vùng Tây Bắc vẫn là một vùng rừng núi hoang vu, con người ở lẫn với cọp beo là chuyện bình thường. Thế nhưng vì ham học hỏi, ông Lý Seo Hồ chưa bao giờ từ bỏ ước mơ, thêm 13 năm “ẩn mình” trong rừng vừa tu luyện học võ, vừa đi rừng làm nương với người dân, ông đã bái đến 20 người làm sư phụ. Nhờ đó, đến nay ông Lý Seo Hồ đã có thể sử dụng 200 bài võ (trong tổng số 360 bài võ của người Mông.

Truyền võ để nhớ cái gốc của tổ tiên

Nhấp chén rượu ngô được làm từ men lá hồng my, nghệ nhân Lý Seo Hồ tâm sự, “ngày xưa, chúng tôi múa võ khèn, võ sênh tiền đến hết 3 đêm liên tiếp mà trong lòng vẫn còn ấm ức, muốn tiếp tục thi thố tài năng. Trong mỗi xới diễn võ thường có từ 2 đến 4 người tham gia, tất cả phải cùng nhau múa khèn quyền. Anh nào múa hay, dẻo, có nhiều bài quyền hơn và dành được sự ủng hộ của khán giả, thì người đó chiến thắng. Hồi đó, người chiến thắng thường được thưởng rượu, thịt, được bà con người dân tung hô vang cả núi rừng. Ông khoe, thời trai trẻ, đi thi đấu múa võ khèn ở khắp các đỉnh núi của người Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì..., ông đều không có đối thủ.

Ông Lý Seo Hồ trò chuyện với các bạn trẻ về trò chơi truyền thống của người Mông. Ông Lý Seo Hồ trò chuyện với các bạn trẻ về trò chơi truyền thống của người Mông.

Giọng trầm ngâm, ông bảo, theo thời gian, người biết múa võ khèn, võ sênh tiền cũng dần dần khuất núi. Nhiều cao thủ cũng vì bận cuộc sống mưu sinh nên cũng đành “quy ẩn giang hồ”. Bản thân ông cũng một thời gian dài không tham gia múa võ nữa. Tuy nhiên, ông thấy buồn vì sự thờ ơ của giới trẻ và nguy cơ mai một của môn võ độc đáo này. Gần đây, vì tiếc cái hay cái đẹp của môn múa võ mà tổ tiên dày công xây dựng, ông đã “tái xuất giang hồ” cho dù đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông sẽ “chiến đấu” để dòng võ múa khèn còn ở lại với người Mông.

Ông Lý Seo Hồ cho biết: Truyền bá võ múa khèn cũng như chính việc đánh võ vậy. Phải tùy theo tình hình của đối thủ mà chọn miếng đánh cho phù hợp. Ví như ngày xưa, cuộc sống của người Mông sống biệt lập. Muốn được học võ khó lắm. Người Mông thường giữ kín cho riêng dòng họ mình.

Một màn đấu võ khèn. Một màn đấu võ khèn.

Trước kia, võ khèn cũng là võ thuật để chiến đấu nhưng sau này, múa võ khèn trở thành loại hình dân vũ độc đáo của người Mông. Múa võ khèn gồm các bài quyền song trảm, lưỡng hổ tranh quyền, bạt sơn…. Để múa các thế võ này, đòi hỏi phải có sự khổ luyện, khi múa và tập đối kháng di chuyển phải nhanh và êm như bước di chuyển của loài hổ, báo. Đường quyền không hạn chế các niêm luật và rất phóng khoáng. Điều đặc biệt là, người múa có lúc vừa phải thổi khèn sao cho âm thanh thật nuột nà lại vừa phải thực hiện những tư thế vừa dứt khoát, vừa mềm mại.

“Thế nên, bây giờ bọn trẻ không mặn mà với múa võ. Chúng chỉ thích những cái mới mà thôi. Những ngày còn sống, mình muốn truyền lại võ khèn, võ sênh tiền càng nhiều người biết càng tốt. Để sau này, người Mông không quên cái gốc của tổ tiên”, ông Hồ chia sẻ.

Nghệ nhân Lý Seo Hồ cho biết, hiện ông đã thu nhận được khoảng 10 đệ tử. Mỗi tuần, ông truyền dạy từ 2-3 buổi. Mỗi buổi chừng 2 tiếng. Ông hy vọng, đội ngũ nòng cốt này sẽ là nơi ông gửi gắm lại tâm huyết cả một đời võ học để giữ cho mai sau.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.