Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Truyền niềm đam mê tiếng Tày cho học sinh vùng cao

Mỹ Dung - CTV - 16:12, 10/04/2025

Gần 20 năm qua, cô giáo người Tày Dương Thị Bền, giáo viên Lịch sử - Địa lí, Trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) luôn nỗ lực, say mê nghiên cứu giảng dạy và có nhiều sáng kiến trong các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cô miệt mài truyền dạy tiếng Tày với mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc mình.

Cô giáo Dương Thị Bền luôn nỗ lực từng ngày ""giữ lửa" tiếng Tày cho học sinh vùng cao
Cô giáo Dương Thị Bền luôn nỗ lực từng ngày "giữ lửa" tiếng Tày cho học sinh vùng cao

Sinh ra và lớn lên ở thôn Gà, xã Vân Sơn - một trong các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động với gần 100% là người DTTS sinh sống, ngay từ nhỏ, Bền đã mang trong mình ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo góp sức xây dựng quê hương. Đặc biệt, bản sắc văn hóa của người Tày đã nuôi dưỡng trong cô lòng tự hào về nguồn cội. Với cô, mỗi lời ca, tiếng hát, câu chuyện của người Tày đều chứa đựng vốn sống, kiến thức về lao động, giữ gìn sức khỏe, quan niệm về tình yêu con người, quê hương, đất nước.

Với sự nỗ lực của mình, Bền đã được vào học Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Động và năm 2001 đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang. Sau khi tốt nghiệp, cô về giảng dạy tại Trường THCS An Lạc (Sơn Động). Đến năm 2011, cô Bền chuyển về Trường THCS Vân Sơn. Hai ngôi trường cô giảng dạy đều có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống.

“Mặc dù hầu hết học sinh đều là người Tày nhưng khi vào giảng dạy, tôi mới thấy hầu như học sinh đều không sử dụng tiếng Tày trong giao tiếp. Chính vì thế, ngoài công việc dạy học, tôi rất muốn dạy các em học tiếng Tày để cùng trò chuyện, giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình”, cô Bền trải lòng.

Từ trăn trở ấy, cô đã tự ghi chép lại những từ ngữ mình biết, mở rộng thêm vốn từ qua giao tiếp với người thân. Ban đầu, cô giáo truyền dạy cho con cháu trong họ, trong làng cách đọc, viết, giao tiếp thông thường. Lớp dạy tiếng Tày miễn phí của cô giáo Bền ngày càng đông học trò, trong đó có cả các bạn trẻ. Chẳng thế mà, nếu như trước kia, có rất ít người Tày nói được tiếng dân tộc mình, thì đến nay, nhiều bạn trẻ ở xã Vân Sơn và các xã lân cận đã đọc, nói tiếng Tày thành thạo và sử dụng trong giao tiếp hằng ngày.

“Nói thật dù là người Tày nhưng gần như em cũng như nhiều bạn không còn biết nói được tiếng Tày nữa. Từ khi có cô Bền phụ đạo thêm, chúng em đã nói được nhiều hơn tiếng đồng bào mình. Ông bà, bố mẹ cũng phấn khởi lắm”, em Dương Thị An, một người dân ở thôn Gà hào hứng chia sẻ.

Đặc biệt, trong quá trình dạy trên lớp cô nhận thấy, đa số các em học sinh không biết tiếng Tày nên cô đã có ý tưởng thành lập lớp tiếng Tày để giúp các em được giao lưu, học tiếng Tày, bảo tồn tiếng nói, chữ viết. 

Theo đó, cô tìm gặp những Người có uy tín, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then để được tư vấn, cũng như tìm hiểu thêm các tài liệu trên mạng, sách, báo… để trau rồi thêm kiến thức, thông tin về tiếng Tày. Năm 2022, cô Bền xin ý kiến nhà trường thành lập Câu lạc bộ học tiếng dân tộc Tày, với 15 học sinh ban đầu. 

Đến năm học 2023-2024, Trường THCS Vân Sơn đưa tiếng Tày vào giảng dạy trong hoạt động giáo dục địa phương. Thầy giáo Phạm Văn Sĩ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mới đây, nhà trường thành lập Câu lạc bộ gìn giữ và phát triển ngôn ngữ Tày với 30 cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia, mỗi tuần sinh hoạt một buổi vào chiều thứ Bảy. Cô giáo Bền được phân công truyền dạy tiếng Tày cho các thành viên Câu lạc bộ.

Ngoài tài liệu in giấy, cô Bền đã dày công biên soạn bài giảng điện tử có hình ảnh, video minh họa nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Tày.
Ngoài tài liệu in giấy, cô Bền đã dày công biên soạn bài giảng điện tử có hình ảnh, video minh họa nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Tày

Để mở rộng kiến thức, cô Bền đi khắp các thôn, bản có người Tày sinh sống trên địa bàn huyện Sơn Động để sưu tầm, lấy tư liệu biên soạn tài liệu. Trải qua thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, cô đã biên soạn cuốn giáo trình giảng dạy tiếng Tày từ cơ bản đến nâng cao, trong đó có nhiều kiến thức chuyên sâu về văn hóa, tập tục sinh hoạt, lễ nghi của người Tày. 

Đây là nguồn tài liệu quý không chỉ cho học sinh học tập, mà còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ của người Tày. Ngoài tài liệu in giấy, cô dày công biên soạn bài giảng điện tử có hình ảnh, video minh họa nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Sau nhiều năm truyền dạy tiếng Tày, cô giáo đã có một số đề tài, sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy như: “Tìm hiểu, giới thiệu, biên soạn tài liệu học tiếng Tày vận dụng vào giảng dạy chương trình giáo dục địa phương cho học sinh Trường THCS Vân Sơn”; “Tìm hiểu và gìn giữ dân ca của dân tộc Tày tại Sơn Động”; “Một số nét văn hóa bản địa của người Tày ở xã Vân Sơn”.

Những năm học gần đây, một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh cũng mời cô Bền về giảng dạy ngoại khóa về giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS cho học sinh. Năm 2024, cô được Ban Dân tộc tỉnh (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) chọn làm thành viên Hội đồng biên dịch ngôn ngữ dân tộc Tày tỉnh Bắc Giang phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực, đóng góp của mình, trong hai năm 2023, 2024, cô giáo Dương Thị Bền  được Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang.

Tin cùng chuyên mục
Hai học sinh dân tộc Mông đạt giải sáng kiến về Dự án giáo dục giới tính

Hai học sinh dân tộc Mông đạt giải sáng kiến về Dự án giáo dục giới tính

Sinh sống tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chứng kiến tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn diễn ra ở các địa bàn vùng sâu, gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn. Vì vậy, 2 em Hoàng Thị Thủy và Lý Văn Lầu, dân tộc Mông, học sinh lớp 8, Trường PTDT nội trú THCS Krông Bông đã tự mày mò tìm hiểu và thiết kế xây dựng một dự án giáo dục giới tính, với mong muốn góp phần đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào DTTS.