Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Từ bỏ quá khứ để trở thành “thủ lĩnh”

T.Nhân-X.Hướng - 10:42, 27/10/2020

Bị Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tuyên phạt 4 năm tù giam, là cái giá mà Katơr Kinh, dân tộc Raglay ở thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình phải trả cho tội “Hủy hoại rừng” vào năm 2011. Tưởng chừng cú vấp ngã này sẽ đánh gục chàng trai Raglay. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi bản thân, anh đã được trả tự do trước thời hạn 2 năm. Trở về, Katơr Kinh năng nổ làm nhiều việc tốt và có nhiều đóng góp cho địa phương nên được Nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn.

Katơr Kinh (người chỉ tay) đang triển khai phương án bảo vệ rừng tại địa phương.
Katơr Kinh (người chỉ tay) đang triển khai phương án bảo vệ rừng tại địa phương.

Chuộc lại lỗi lầm

Những ngày giữa tháng 10, nhân dịp về công tác ở thôn Hành Rạc 1, chúng tôi được Katơr Kinh kể về quá khứ lỗi lầm và nỗ lực vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội. Đó là vào năm 2011, do không có đất sản xuất, Katơr Kinh cùng nhiều đối tượng khác thường xuyên phá rừng tại địa phương lấn chiếm đất để làm rẫy. Trong một lần phá rừng, Katơr Kinh bị lực lượng chức năng phát hiện, bị bắt và bị khởi tố về tội “Hủy hoại rừng”. Lúc đó, TAND huyện Bác Ái tuyên phạt anh 4 năm tù giam về tội “Hủy hoại rừng”.

“Trong thời gian thi hành án, qua giáo dục, cảm hóa của cán bộ và những lần sinh hoạt với chủ đề bảo vệ rừng để giữ môi trường sinh thái bền vững, tôi càng thấy rừng rất quan trọng đối với cuộc sống của mọi người, nên lòng tự nhủ, phải cố gắng cải tạo tốt, mai này về lại địa phương sẽ tích cực tham gia bảo vệ rừng để chuộc lại lỗi lầm”, Katơr Kinh chia sẻ.

Nghĩ là làm, bằng sự quyết tâm của mình, đến năm 2013, do cải tạo tốt, Katơr Kinh đã được trả tự do trước thời hạn 2 năm. Khi trở về cộng đồng, lúc đầu anh có chút mặc cảm về bản thân, nhưng được sự giúp đỡ của gia đình và chính quyền xã, anh được giới thiệu tham gia vào Tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Từ đó, anh có điều kiện tham gia vào các phong trào, công tác xã hội tại địa phương. Đặc biệt, Katơr Kinh rất tâm huyết với công tác bảo vệ rừng và trở thành gương điển hình về phòng, chống phá rừng ở xã vùng cao.

Những năm qua, Katơr Kinh đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc phủ xanh những mảng rừng từng bị tàn phá, bằng cách thực hiện mô hình trồng xen canh cây ngô lai với bưởi, chuối… Nhờ đó, đời sống gia đình anh ngày càng sung túc và người dân địa phương cũng thán phục về sự quyết tâm, cố gắng của anh. Nhiều đối tượng phá rừng khi nghe Katơr Kinh tuyên truyền, vận động, đã từ bỏ việc phá rừng về lại cộng đồng tu tâm, dưỡng tính, quyết tâm không tái phạm.

Đến nay, toàn bộ người dân thôn Hành Rạc 1 đã tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hơn 470ha diện tích đất rừng trong Vườn quốc gia Phước Bình được giao khoán lại cho bà con thôn Hành Rạc 1 quản lý, bảo vệ đã được phủ xanh, tình trạng phá rừng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Năm 2015, người dân địa phương tin tưởng bầu Katơr Kinh làm Trưởng thôn Hành Rạc 1. “Đi qua một chặng đường đầy chông gai, tôi nhận ra rằng, những việc làm chân chính do mình tự bỏ công sức thì mới thực sự quý giá và bền vững. Tôi cũng mong rằng, qua câu chuyện của tôi sẽ góp phần giúp cho những người từng phạm tội có thêm ý chí hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt cho gia đình và xã hội”, Trưởng thôn Katơr Kinh tâm sự.

Gương sáng của buôn làng

Những năm gần đây, mỗi lần nhắc tới Katơr Kinh, người dân thôn Hành Rạc 1 luôn dành cho anh một tình cảm thân thiết. Đặc biệt là lớp thanh niên luôn xem việc hoàn lương của Katơr Kinh là bài học cho chính mình và là tấm gương cho mọi người noi theo.

Bà Pi Năng Lành, người dân địa phương chia sẻ: Ai cũng có thể vấp ngã và gặp thất bại trong cuộc sống, điều quan trọng là đứng lên và bước tiếp ra sao? Katơr Kinh đã từng vấp ngã và tự đứng lên thay đổi cuộc đời mình, điều này thật đáng khâm phục. Ngoài việc tích cực phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng gia sản xuất giỏi, Katơr Kinh còn luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn, thường xuyên tuyên truyền người dân không phá rừng để làm rẫy nữa.

Còn theo anh Katơr Bó, ngày trước do thiếu hiểu biết về pháp luật, anh và một số người trong thôn đã lên rừng cưa gỗ để bán lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, khi được Katơr Kinh khuyên bảo, anh cũng ăn năn hối lỗi và tình nguyện tham gia Tổ bảo vệ rừng và trồng cây ăn quả phát triển kinh tế. “Giờ được nhiều bà con trong thôn yêu quý, khen ngợi, tôi mừng lắm! Được như hôm nay là nhờ Katơr Kinh chỉ bảo cả đó”, Katơr Bó nói.

Bà Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch xã Phước Bình cho biết: Những việc làm của anh Katơr Kinh đã góp phần tích cực trong bảo vệ rừng, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng để nhiều người noi theo. Tại địa phương, Katơr Kinh là Trưởng thôn gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt đã phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân phối hợp với các thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng để giữ rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, không xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép, người dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Tin cùng chuyên mục
Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Nghèo, khó... không bao giờ là lý do từ bỏ ước mơ

Sinh ra ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ vướng vòng lao lý, bố làm thuê, nhưng Ốc Thị Quỳnh Anh không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, mặc cảm vươn lên giành được học bổng trị giá 1 tỷ đồng của trường Đại học Anh Quốc...