Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tư duy đổi mới phát triển của những HTX kiểu mới ở miền núi Quảng Nam

Tiêu Dao - 11:20, 28/11/2022

Các hợp tác xã (HTX) ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch lao động và tăng thu nhập cho nông dân miền núi, đồng bào DTTS của Quảng Nam.

Phát triển mô hình HTX với cây dược liệu giúp bà con DTTS ở Quảng Nam từng bước thoát nghèo. (Trong ảnh: Đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang thu hoạch củ đẳng sâm)
Phát triển mô hình HTX với cây dược liệu giúp bà con DTTS ở Quảng Nam từng bước thoát nghèo. (Trong ảnh: Đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang thu hoạch củ đẳng sâm)

Những HTX kiểu mới ở vùng cao Quảng Nam

Quảng Nam có 9 huyện miền núi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) liên kết phát triển. Ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang có các loại cây dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, sâm ba kích, đẳng sâm... Để xây dựng, phát triển mô hình trồng cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tập hợp nông dân, đồng bào DTTS tham gia mô hình THT và HTX để sản xuất bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo.

Tại huyện Tiên Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (xã Tiên Cảnh) đã mang lại sức sống mới cho các sản phẩm “Tiêu Tiên Phước”, “Trầm hương Tiên Phước”, “Rượu lòn bon Tiên Phước”. Trong đó, đặc sản “Rượu lòn bon Tiên Phước” được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao OCOP vào năm 2018. HTX tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, đem lại lợi nhuận cho các thành viên và chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đồng bào Cơ Tu, huyện Tây Giang thu hoạch củ đẳng sâm
Đồng bào Cơ Tu, huyện Tây Giang thu hoạch củ đẳng sâm

Tại huyện biên giới Tây Giang, các sản phẩm như đẳng sâm, sâm ba kích, táo mèo, sa nhân... rất phong phú. Chính quyền huyện Tây Giang đã triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Theo đó là sự ra đời HTX Trường Sơn Xanh với chức năng thu mua sản phẩm các cây dược liệu như đẳng sâm, táo mèo, sa nhân…

Ngoài HTX Trường Sơn Xanh, thì HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình ở xã Lăng, là một điển hình trong việc phát triển loài cây dược liệu này. HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 11 thành viên, phần lớn là người Cơ Tu. HTX có vườn ươm giống ba kích rộng 1.500 m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm. Để giúp bà con đỡ vất vả, tăng năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho nông sản, HTX đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ việc sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm.

Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình, là người đã giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang làm nông nghiệp “chuyên nghiệp” hơn. Năm 2021, đơn vị đã mở thêm 9 ha về trồng vùng nguyên liệu cây ba kích, xây dựng trang trại nuôi 39 con dê, 12 con bò; làm vườn rau lủi, rau dớn rộng 2 ha để “lấy ngắn nuôi dài”. HTX tạo việc làm tại chỗ cho 32 người Cơ Tu, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng/năm.

HTX Thiên Bình cũng tham gia chương trình OCOP với sản phẩm tâm huyết là “Cao ba kích” đã đạt chứng nhận 4 sao. HTX cũng xây dựng trung tâm nuôi cấy mô quy mô lớn để bảo tồn, phát triển hàng hóa dược liệu chính; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động người Cơ Tu. Hoàn thiện hệ thống sản xuất mặt hàng nông sản sẵn có để đăng ký OCOP; xây dựng vườn dược liệu tập trung 50 ha, kết hợp du lịch trải nghiệm dược liệu.

Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình với các sản phẩm OCOP từ HTX được sản xuất tại xã Lăng (huyện Tây Giang).
Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình với các sản phẩm OCOP từ HTX được sản xuất tại xã Lăng (huyện Tây Giang).

Nhờ vào sự tính toán, làm ăn bài bản của Hội đồng quản trị HTX Thiên Bình, nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc tham gia trồng và chế biến dược liệu. Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 THT, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Để sản phẩm có thương hiệu, tăng cao giá trị, các HTX đã đưa sản phẩm làm ra tham gia chương trình OCOP năm 2019, trong đó trà túi lọc đẳng sâm của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang; HTX Dược liệu Đức Huy được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019.

“Lột xác” từ HTX kiểu mới

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, tại tỉnh Quảng Nam, hoạt động khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng HTX tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, chất lượng thành viên HTX được nâng lên.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến tháng 3/2022, có thêm 128 HTX và 1 Liên hiệp HTX ra đời. Tính đến ngày 31/3/2022, toàn tỉnh có 509 HTX và 1 Liên hiệp HTX, trong đó có nhiều HTX ở các huyện miền núi đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả đã xuất hiện và thành công, tạo dựng được thương hiệu.

Từ những sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX Dược liệu ở các huyện Tây Giang, Tiên Phước, Nam Trà My đã tuyển chọn, sơ chế, chiết xuất bằng nước tinh khiết, để chiết ra những hoạt chất trong các loại cây củ quả dược liệu, cô đặc bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm, sau đó đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. 

Với tư duy đổi mới, bắt nhịp thị trường trong sản xuất kinh doanh, các mô hình HTX ở miền núi Quảng Nam đang góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người.

Cô gái dân tộc Xơ Đăng giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) tại Triển lãm
Cô gái dân tộc Xơ Đăng giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) tại Triển lãm

Ngoài ra, các HTX cũng đang ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ hoạt động, đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới,  tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP... Nhiều HTX kiểu mới ở các huyện miền núi, cũng đã chú trọng đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, dịch vụ phục vụ thiết thực cho lợi ích kinh tế thành viên và lợi ích cộng đồng. Sự liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp và hộ thành viên sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngày càng mở rộng và hiệu quả cao.

Theo thống kê, nhiều HTX, THT đã quan tâm tham gia OCOP với gần 100 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, trong đó có không ít HTX ở miền núi. Nhờ đó, họ đã được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, điều kiện ở vùng DTTS rất thích hợp để bà con phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, để giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, cùng với đó ban hành nhiều cơ chế, chính sách về quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu. 

Đến nay, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã nhân rộng thêm nhiều THT, HTX tại các vùng đồng bào DTTS, cùng với đó chuyển đổi sản xuất, cây trồng vật nuôi là thế mạnh của từng địa phương, làm ănhiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200 ha.

Các HTX kiểu mới ở miền núi Quảng Nam cũng không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường; huy động nguồn lực mở rộng sản xuất, hoàn thiện và gia tăng giá trị sản phẩm. HTX còn tham dự các hội chợ, sự kiện lớn nhằm làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.