Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kon Tum: Phát huy vai trò HTX nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Văn Phương - 19:00, 22/11/2022

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã (HTX), đặc biệt là HTX nông nghiệp không chỉ có vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn...

HTX Rau hoa và Du lịch thanh niên Măng Đen. Ảnh: Văn Phương
HTX Rau hoa và Du lịch thanh niên Măng Đen. Ảnh: Văn Phương

Kon Tum là tỉnh thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do đó việc phát triển HTX nông nghiệp ở vùng nông thôn càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Hơn nữa, 1 trong 19 tiêu chí có vai trò hết sức quan trọng là tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13), bởi lẽ để xã đạt chuẩn về nông thôn mới thì xã đó phải có HTX hoạt động hiệu quả. Do đó, vai trò của của HTX nông nghiệp là rất quan trọng, vừa hỗ trợ để thực hiện những tiêu chí cần đạt được vừa là điều kiện cần thiết nhằm phát huy nội lực của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh Kon Tum và Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, cũng như vai trò của HTX trong xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX và cho người dân hiểu. Đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào thành lập HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 218 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 218 tổ hợp tác. Trong đó, có 155 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 70% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh với tổng số gần 2.100 thành viên. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã giải quyết việc làm ổn định cho 600 lao động và tạo thu nhập ổn định bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Đổi thay vùng nông thôn mới xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
Đổi thay vùng nông thôn mới xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum (Ảnh Văn Phương)

Đến nay, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn xã NTM; có 19 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; có 29 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 1 xã đạt 8 tiêu chí. Bình quân đạt 16,15 tiêu chí/xã. Trong đó, vai trò của các HTX nông nghiệp tại các địa phương đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, sau 10 năm thực hiện theo Luật HTX 2012, đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp Nhân dân, tạo được sự ủng hộ cao của Nhân dân và có sức lan tỏa toàn tỉnh; vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định và tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tài sản phục vụ xây dựng NTM tại địa bàn, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Vai trò của HTX nông nghiệp ngày càng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HN
Vai trò của HTX nông nghiệp ngày càng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh Văn Phương)

Đặc biệt, mừng nhất là đến nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị; trong đó có 25 đơn vị tham gia các chuỗi liên kết giá trị nổi bật như chuỗi giá trị cà phê, cây ăn quả, dược liệu, mía đường và lúa gạo, góp phần giải quyết việc làm ổn định và có thu nhập cho hàng ngàn lao động ở vùng nông thôn. Đơn cử như tại HTX Công bằng Pô Kô, hiện đã thu hút hơn 110 thành viên liên kết tham gia. Đặc biệt, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động trên địa bàn với mức lương khoán giao động từ 170.000 - 200.000 đồng/người/ngày.

Điều đáng mừng, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động thì các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, các HTX nông nghiệp đã năng động, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo ở địa phương, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng NTM...

Phát triển cây mắc ca đang được người dân trên địa bàn kon tum chú trọng phát triển nâng cao thu nhập
Phát triển cây mắc ca đang được người dân trên địa bàn kon tum chú trọng phát triển nâng cao thu nhập (ảnh Văn Phương)

Cũng theo Liên minh HTX tỉnh Kon Tum, để có được kết quả trên chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và các ngành chức năng đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn…

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ để củng cố, đổi mới, phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.   

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.