Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Từ lão nông trở thành "nhà sáng tạo" rối điện

Nguyễn Thanh - 15:29, 25/12/2020

Rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian được nhiều người biết đến, nhưng múa rối điện thì còn lạ lẫm với nhiều công chúng. Cũng vì lạ nên tôi đã tìm về Quỳnh Xuân huyện Hoàng Mai (Nghệ An) để được mắt thấy, tay sờ dàn rối điện “có một không hai” của lão nông Hồ Văn Thân.

Ông Thân bên giàn rối điện nhạc Tây Nguyên
Ông Thân bên giàn rối điện nhạc Tây Nguyên

Trăn trở cùng nghệ thuật truyền thống

Về xã Quỳnh Xuân, Hoàng Mai hỏi “nghệ nhân làng” Hồ Văn Thân, chẳng ai còn lạ. Khắp làng trên xóm dưới, ông Thân đã nức tiếng với màn múa rối điện lạ lẫm. Và khi nhìn ông Thân bên dàn rối, chăm chú đẽo gọt, khắc, vẽ…va tỉ mỉ lắp mô tơ, dây bóng… tôi đã không ngờ rằng, cha đẻ của những dàn rối ấy chưa hề trải qua lớp đào tạo nào, càng không phải kiểu cha truyền con nối.

Cơ duyên ông Thân đến với rối là những lần xem biểu diễn trong dịp hội làng. Ông xem đến mê mẩn và cứ thắc mắc tại sao những khúc gỗ, sợi dây… lại có thể có những hoạt cảnh tài tình đến vậy. Những con rối còn biết cười, khóc, đứng, ngồi… phụ họa cho những khúc nhạc, rất hút hồn.

Trong câu chuyện giữa hai thế hệ, ông Thân cho biết, ông đã chơi và thích thú với những con rối từ năm lên 15 tuổi. Khi thành thạo các ngón nghề điều khiển con rối, những năm 90 của thế kỷ trước, ông cùng khoảng chục người tạo được một đoàn rối ở địa phương. "Sau 3 năm hoạt động, đoàn rối đã gây được tiếng vang. Dù chỉ biểu diễn ở làng nhưng cũng đắt sô lắm. Hội làng, đám cưới, lễ tết… chúng tôi đã biểu diễn không biết mệt mỏi, bằng tất cả niềm đam mê của mình", ông Thân hồi tưởng lại.

Dàn rối với điệu nhạc Then
Dàn rối với điệu nhạc Then

Nhưng do cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác, lại thêm các thành viên ngày càng lớn tuổi nên đoàn rối tan rã dần. Chẳng còn ai chơi rối nữa. Mỗi người một sinh kế khác nhau, riêng ông Thân vẫn đau đáu với nghề rối. Chính bản thân ông cũng chẳng thể cắt nghĩa được vì sao đam mê đến thế, chỉ biết rằng nhìn những con rối được vẽ cầu kì, ông lại thấy như chúng có một số phận riêng, thần thái riêng. Những chú tễu hài hước nhanh nhảu, cô gái Thái yêu kiều xòe ô, chàng trai Mông thổi khèn ngày hội… chập chờn trong những hoạt cảnh khiến ông luôn trăn trở.

Trước mắt ông, mỗi con rối như được nhân cách hóa, chúng xứng đáng có được một đời sống trên sân khấu, được tỏa sáng dưới ánh nhìn chiêm ngưỡng của khán giả. “Sau nhiều ngày, tôi quyết định làm lại. Không có ai làm thì tôi làm, không có ai theo thì tôi làm một mình”, ông Thân trải lòng về quyết định “vực” lại trò rối.

Dàn rối với điệu nhạc đồng quê
Dàn rối với điệu nhạc đồng quê

Dàn rối "có một không hai"

Quyết tâm là thế, nhưng để điều khiển cả dàn rối mười mấy con là điều bất khả thi. Cuối cùng ông nghĩ đến rối điện. Nhưng đã ai làm rối điện bao giờ. Thế là ông lại mày mò nghiên cứu. Từ cách làm khớp tay khớp chân, các nhạc cụ, bộ dây, bộ gõ đến công đoạn lắp mô tơ vận hành… ông đều tự tìm hiểu.

Để thực hiện ý tưởng, ông Thân tìm mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng từ cửa hàng đồng nát về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình nhân vật. Để các nhân vật trên cùng một dàn rối hoạt động đúng điệu bộ theo nhạc, ông phải sử dụng một mô tơ chính cùng rất nhiều mô tơ phụ và các trục chuyển động bánh răng điều tiết độ nhanh, chậm cho từng nhân vật. Đây cũng là khâu khó và mất nhiều thời gian nhất.

Sau hơn 1 tháng mày mò chế tạo, 1 dàn rối điện gồm 10 nhân vật, tự động nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển được xuất xưởng, trước sự thán phục của bà con làng trên xóm dưới. Dù chưa qua trường lớp đào tạo về cơ khí, điện tử; chỉ bằng niềm đam mê nghệ thuật, cùng sự nhẫn nại đã biến ông thành “nhà sáng tạo” bất đắc dĩ.

 Ông Thân chia sẻ, cái khó nhất trong thiết kế dàn rối điện, là làm sao để cho mỗi nhân vật hoạt động theo một yêu cầu khác nhau, phù hợp nhạc điệu, tiết tấu… Mỗi con rối có yêu cầu biểu cảm, động tác khác nhau. Ở nhạc điệu này là giơ tay, nhưng nhạc điệu khác là gõ trống, hoặc lúc nào nhạc dừng thì dừng lại”.

Mỗi con rối là một đứa con tinh thần luôn được ông Thân nâng niu, gìn giữ
Mỗi con rối là một đứa con tinh thần luôn được ông Thân nâng niu, gìn giữ

Nay, lão nông Hồ Văn Thân đã sở hữu 15 dàn rối điện, với các điệu nhạc từ độc tấu đàn bầu, nhảy sạp, nhạc Tây Nguyên, nhạc then, múa nụ xòe, bộ gõ... cho đến những dàn nhạc trẻ, nhạc đám cưới… phục vụ khán giả ở các lứa tuổi. Ngày thêm ngày, lịch mời biểu diễn ở nhiều nơi khiến ông Thân háo hức, quên hết mệt mỏi để say sưa với trò rối.

"Tôi sẽ mở rộng khuôn viên gia đình, trưng bày tất cả dàn rối để phục vụ khán giả. Tôi cũng sẽ đầu tư “thay áo” cho những con rối cũ, hư hỏng. Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người trẻ có cùng đam mê để phát triển trò rối điện hơn nữa. Nếu trong điều kiện cho phép, tôi sẽ cũng mọi người khôi phục một kép rối nước", ông Thân trải lòng.