Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Chương trình MTQG 1719 tạo động lực giúp đồng bào Xơ Đăng tích cực trồng rừng

Ngọc Chí - 15:41, 23/10/2024

Từ chỗ phát, đốt rừng làm nương rẫy, những năm gần đây, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tích cực trồng lại rừng. Bởi họ hiểu rằng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ cho rừng mãi xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và hơn hết là che chở cho chính thôn, làng được bình yên...

Nhận thức được việc bảo vệ rừng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng nên đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đang tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc
Nhận thức được việc bảo vệ rừng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng nên đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đang tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Từ phá rừng chuyển sang trồng rừng

Những năm gần đây, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang tiếp thêm động lực để đồng bào Xơ Đăng trồng rừng.

Với hơn 10ha đất rẫy canh tác đã bạc màu, hiệu quả kinh tế mang lại không cao và đặc biệt là sau những đợt mưa bão, đất lại đứng trước nguy cơ bị sạt lở. Suy nghĩ mãi, năm 2018, anh A Hai (dân tộc Xơ Đăng), thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông đã quyết tâm trồng lại rừng. Anh chọn loại cây gáo vàng, cây hông để trồng với diện tích hơn 10ha. Sau hơn 6 năm chăm sóc, diện tích rừng đã lên xanh. Để có thêm thu nhập, anh chăn nuôi thêm bò dưới tán rừng.

Anh A Hai chia sẻ: Tôi thấy việc trồng rừng mang lại lợi ích rất lớn, rừng mang lại không khí trong lành. Cây rừng lớn, khép tán thảm thực vật, cỏ phía dưới rất tốt. Khi chăn thả bò thì đầy đủ thức ăn, nguồn phân bò thải ra, giúp cho cây xanh tốt. Vài năm sau khi cây lớn, có thể bán cây, còn nếu không bán tôi cũng có thể được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm.

Rừng cây gáo vàng của gia đình anh A Hai, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông
Rừng cây gáo vàng của gia đình anh A Hai, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hiện nay, việc trồng rừng đã trở thành phong trào và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông. Bởi trải qua bao biến cố do bão lũ, người Xơ Đăng đã nhận thấy được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của chính họ.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ diện tích rừng hiện có, thì còn vận động người dân trồng thêm rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Khi các hộ dân đăng ký trồng rừng, xã cũng cử cán bộ xuống kiểm tra diện tích đất của người dân có đủ điều kiện để trồng rừng hay không và hướng dẫn người dân cách trồng. Qua đó, người dân hưởng ứng nhiệt tình và rất nhiều hộ đăng ký.

Quyết tâm phủ xanh đất trống đồi núi trọc để tạo sinh kế bền vững cho người dân, từ năm 2021 đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã trồng được hơn 2.000ha rừng tập trung cùng hơn 1,2 triệu cây phân tán. Riêng triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 “về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng”, thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, huyện đã hỗ trợ cho người dân ở 11 xã trồng mới hơn 827ha rừng sản xuất, với 632 hộ, 12 cộng đồng, 07 nhóm hộ tham gia trồng rừng, chủ yếu là các loại cây như: Thông, keo, bạch đàn, sơn tra, mắc ca…

Từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 và nguồn lực của gia đình, chị Y Lời, thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông đã trồng hơn 1 ha rừng thông
Từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 và nguồn lực của gia đình, chị Y Lời, thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông đã trồng hơn 1ha rừng thông

Chị Y Lời, thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã đăng ký tham gia trồng rừng. Năm 2023, xã hỗ trợ cho 1.200 cây thông giống và gia đình mua thêm 2.000 cây trồng, với diện tích hơn 1ha. Sau 1 năm chăm sóc cây phát triển rất tốt. Trồng rừng trước tiên là chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường và sau này gia đình cũng có được nguồn thu nhập ổn định từ rừng.

Việc trồng rừng mang lại những lợi ích rất lớn đối với cộng đồng và chính những người trồng rừng. Vì khi cây đủ tiêu chuẩn khép tán và cho sản phẩm, người dân đồng thời có thể hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và bán sản phẩm thu được từ cây trồng.

Rừng đã lên xanh

Huyện Tu Mơ Rông có tổng diện tích đất có rừng trên 58.076ha, độ che phủ rừng đạt 67,73%; trong đó, rừng phòng hộ trên 23.622ha, rừng sản xuất trên 34.454ha, rừng tự nhiên trên 53.764ha, rừng trồng trên 4.311ha. Toàn bộ diện tích rừng phân bố trên địa bàn 11 xã, gắn với cuộc sống của đại đa số đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện. 

Hiện nay, các chủ rừng là tổ chức đã giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng quản lý, bảo vệ trên 16.050ha. Công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện nghiêm túc, đã tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho 657 hộ gia đình và 4 cộng đồng thôn trên địa bàn huyện, với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.

Đồng bào Xơ Đăng ở làng Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông bảo vệ diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng làng
Đồng bào Xơ Đăng ở làng Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông bảo vệ diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng làng

Đối với hơn 2.000ha rừng do người dân trồng tập trung, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo UBND các xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân, cộng đồng thực hiện các biện pháp chăm sóc, dọn thực bì, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại và phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng đã trồng phát triển thành rừng.

Ông A Phan, làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ trồng hơn 1ha rừng bạch đàn. Sau thời gian trồng tỷ lệ sống hơn 80%, cây đang phát triển rất tốt. Tôi thường xuyên kiểm tra, phát dọn thực bì, tỉa cành để cây phát triển tốt.

Có thể thấy, việc đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông tích cực tham gia trồng rừng là sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm. Để người dân có nguồn thu nhập trong thời gian trồng rừng, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các xã hỗ trợ cho người dân trồng thêm cây dứa, sâm dây, các loại dược liệu để trồng xen, đảm bảo trong thời gian chưa hưởng lợi từ rừng thì vẫn có thêm nguồn thu nhập.

Ông A Phan, làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông tỉa cành, phát dọn thực bì diện tích rừng trồng của gia đình
Ông A Phan, làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông tỉa cành, phát dọn thực bì diện tích rừng trồng của gia đình

Ông A Vông, làng Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Năm vừa rồi xã hỗ trợ hơn 1.000 cây thông giống, ông mua thêm 500 cây về trồng. "Tôi cũng muốn phủ xanh lại diện tích này, sau khi cây thông lớn có nhựa thông để bán và còn được hưởng thêm tiền dịch vụ môi trường rừng. Để có thu nhập trong thời gian trồng rừng, tôi tận dụng trồng thêm sâm dây".

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong thời gian tới, huyện tập trung rà soát quỹ đất có khả năng trồng rừng để đưa vào kế hoạch trồng rừng hằng năm; đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với quy hoạch theo quy định; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp đưa vào trồng rừng; hướng dẫn Nhân dân trồng, chăm sóc rừng trồng đúng quy trình kỹ thuật, xuống giống đúng thời vụ, đảm bảo tỷ lệ sống cao và hạn chế thấp nhất sâu, bệnh hại và cháy rừng trong suốt chu kỳ kinh doanh. 

Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát UBND các xã trong việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc, trồng dặm đối với diện tích rừng trồng các năm trước và có biện pháp khắc phục đối với các diện tích chưa đạt yêu cầu để đảm bảo các diện tích rừng đã trồng thành rừng theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.