Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Nan giải bài toán di dời người dân khỏi vùng sạt lở

Lê Phương - 12:26, 12/07/2021

Trong vòng 16 năm, gần 140 hộ dân ở thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã 3 lần di dời làng đến nơi ở mới do nơi ở cũ có nguy cơ sạt lở. Năm 2020, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng đề án tiếp tục di dời người dân đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đối với lần di dời này, chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc vận động người thực hiện, trong đó nguyên nhân chính là do người dân vẫn chưa yên tâm, sợ đến nơi mới lại tiếp tục bị sạt lở.

Khu tái định cư Tu Thó nằm trên sườn đồi, có nguy cơ sạt lở là một trong những nguyên nhân khiến người dân không muốn đến ở
Khu tái định cư Tu Thó nằm trên sườn đồi, có nguy cơ sạt lở là một trong những nguyên nhân khiến người dân không muốn đến ở

16 năm 3 lần dời làng

Tu Thó là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở. Chính vì thế, cuộc sống của người dân không ổn định, nhiều lần phải di chuyển chỗ ở. Từ năm 2004 đến nay, người dân đã 3 lần di dời làng; 2 lần nhà nước xây dựng đề án di dời tái định cư vào năm 2004 và 2018, 1 lần người dân tự di dời về nơi ở cũ sau cơn bão số 9 năm 2009. 

Sau các cơn bão năm 2018, 2019 nơi ở của mới của người dân thôn Tu Thó tiếp tục bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng phương án di dời tái định cư người dân đến nơi an toàn.

Theo thông tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông, dự án khu tái định cư cho 139 hộ thôn Tu Thó có tổng diện tích xây dựng khoảng 17,9 ha. Trong đó, diện tích san ủi mặt bằng trên 2ha, đường đi khu sản xuất khoảng 2 km, đường giao thông nội bộ khoảng 2,7km; sửa đường vào thôn Tu Thó khoảng 3km. 

Cùng với đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện, điểm trường và nhà rông văn hóa diện tích khoảng 100m2 cũng được đầu tư. Tổng kinh phí đầu tư khoảng gần 30 tỷ đồng. 

Một số lô đất ở khu tái định cư không đảm bảo an toàn, khi mưa dễ bị sạt lở nên bà con còn e ngại, không dám làm nhà.

Ông A DaiTrưởng thôn Tu Thó, xã Tê Xăng

Đến nay, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục để thực hiện để sớm bàn giao cho chính quyền địa phương đi dời các hộ dân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nhiều hộ dân không muốn di dời do tâm lý sợ nơi ở mới lại tiếp tục sạt lở. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh A Bi, thôn Tu Thó, xã Tê Xăng cho biết, đây là lần thứ 3 dân làng phải di dời tái định cư do gặp nguy cơ bị sạt lở. Thực tế năm 2004 ra bên kia tái định cư đến năm 2009, bên kia bị sạt lở, di dời về đây, tới tháng 8/2018 lại bị sạt lở tiếp. 

"Đã 3 lần di dời, tái định cư, thôn Tu Thó cũng rất là khó khăn, 2,3 năm lại di dời 1 lần. Bà con cũng muốn di dời ở nơi định cư mới để đảm bảo an toàn, mong muốn có cuộc sống không phải suy nghĩ đến việc di dời lần nữa”, A Bi chia sẻ thêm.

Về vấn đè này, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án – Đầu tư xây dựng huyện Tu Mơ Rông, thừa nhận: Hiện nay, dự án tái định cư cho người dân làng Tu Thó cơ bản hoàn thành, tuy nhiên nơi này địa hình đồi núi cao và dốc, địa chất nền yếu nên việc tái định cư cho người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân di dời đến nơi ở mới
Chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân di dời đến nơi ở mới

Mức hỗ trợ cho người dân còn thấp

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, chính quyền địa phương sẽ hoàn thành việc di dời người dân về nơi ở mới. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 80% hộ dân xây dựng nhà nơi ở mới. Ngoài nguyên nhân lo sợ tiếp tục sạt lở thì mức hỗ trợ tương đối thấp cũng khiến cho người dân không thể di dời. 

Ông A Dai, Trưởng thôn Tu Thó, xã Tê Xăng cho biết: "Bà con cũng muốn di dời lắm nhưng không đủ kinh phí. Tính sơ bộ, nếu đến nơi ở mới thì bà con phải xây nhà, ít ra cũng phải mất 50 triệu. Đây là số tiền quá lớn so với thu nhập của người dân".

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, cho biết: Theo chủ trương của tỉnh, của huyện, mỗi hộ được hỗ trợ 25 triệu đồng để di dời, nhưng thực tế ở đây không thể làm nhà được. 

Xây nhà ở khu tái định cư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, nên làm 1 cái nhà, ít nhất cũng được 40m2. Nhưng với kinh phí hỗ trợ là 25 triệu đồng là không thể làm được, rất là khó", ông Đe nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay: Thông báo số 39, ngày 14/9/2020 của Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum quy định về quy mô và mức hỗ trợ làm nhà ở tại các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, mỗi căn nhà tại khu tái định cư thôn Tu Thó phải có diện tích tối thiểu 40m2. Mức hỗ trợ xây dựng nhà ở tối thiểu là 80 triệu đồng/căn. Trong khi đó, kinh phí của dự án xây dựng khu tái định cư chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ về kinh phí di dời và 5 triệu đồng/hộ về lương thực.

Để giải quyết bài toán an cư tại thôn Tu Thó, hiện UBND huyện Tu Mơ Rông đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ các nguồn ưu đãi. Đồng thời, huyện cũng huy động các nguồn xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ cho các hộ dân của thôn. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh, vướng mắc lớn nhất để người dân di dời đó là theo quy định của các sở ngành trong việc thông báo cho huyện là mỗi hộ di dời như thế phải xây dựng 1 cái nhà 40m2, trị giá khoảng 80 triệu đồng. Trong khi hiện nay hỗ trợ di dời cho người dân khoảng 20 triệu, trong đó hỗ trợ lương thực khoảng 5 triệu đồng.

"Đây là 1 vấn đề hết sức khó khăn đối với huyện, ngân sách huyện không thể chi vào nội dung này. Xã hội hóa trên địa bàn huyện thì cũng hết sức khó khăn, huyện cũng chỉ mới vận động được 600 triệu đồng”, ông Mạnh băn khoăn.

Cũng theo ông Mạnh, do thôn Tu Thó liên tục bị sạt lở trong nhiều năm liền, nên huyện đã báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tỉnh ủy có chỉ đạo UBND tỉnh giao cho một đơn vị thực hiện công việc đo đạc, tính toán địa hình, địa chất ở khu vực thôn Tu Thó, xã Tê Xăng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đơn vị nào đứng ra thực hiện. Đây là khó khăn cho huyện trong việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng tái định cư để đảm bảo an toàn về lâu dài cho người dân.