Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về đâu những ngôi nhà bên mép núi

Thành Nhân - 12:48, 19/11/2020

Cơn bão số 8 và 9 năm 2018 đã làm hư hỏng, sập nhà hàng trăm hộ dân ở thôn Thành Đạt, Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, họ phải sống tạm bợ, cheo leo bên sườn núi, với nỗi lo lũ quét, sạt lở đất luôn chực chờ. Mặc dù tỉnh, thành phố đã lên phương án, nhưng chưa biết khi nào người dân mới được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Bà Trần Trị Gái sống bên cạnh khu vực sạt lở khiến 5 người chết ở thôn Thành Phát
Bà Trần Trị Gái sống bên cạnh khu vực sạt lở khiến 5 người chết ở thôn Thành Phát

Hiểm nguy vẫn phải bám trụ

Theo UBND xã Phước Đồng, hiện nay, thôn Thành Phát có gần 400 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu. Hầu hết người dân sinh sống ở đây trong các khu nhà mái tôn, nhà cấp 4 không kiên cố. Mùa mưa lũ người dân đối diện với nhiều khó khăn, thiên tai đe dọa hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hoa, gần 20 năm sống ở chân núi thôn Thành Phát cho biết: Hộ nhà tôi có 5 gia đình anh em, khoảng 15 người sống chung ở khu nhà tạm tại chân núi. Năm 2018, sạt lở chân núi đã vùi lấp nhiều nhà dân tại đây, khiến 11 người thiệt mạng. Mỗi khi mưa bão xuất hiện là cả thôn Thành Phát lo lắng không biết đất đá, lũ quét, tai họa sẽ ập xuống đầu dân bất cứ lúc nào. Vậy nên, cứ mưa là cả đại gia đình tôi rời khỏi thôn tìm nhà người thân để nương nhờ. Nhiều gia đình không có người thân quen thì “liều” ở lại thôn trong căn nhà tạm, phó mặc số phận cho “thần chết”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Gái (sống tại chân núi thôn Thành Phát từ năm 2001) chia sẻ: Hiện gia đình tôi có 2 nhân khẩu sống tại căn nhà tạm chừng 30 m2 này. Trước đây, nhà tôi xây kiên cố nhưng cơn lũ năm 2018 đã làm sập hoàn toàn rồi. Không có nhà ở, tôi đành dựng tạm căn nhà này để ở, cố gắng nuôi con ăn học. Biết là sống ở chân núi này rất nguy hiểm, đặc biệt là mưa lũ ập xuống bất cứ lúc nào, nhưng giờ không có chỗ ở đành chấp nhận chứ không biết đi đâu. Hễ mưa là lo nơm nớp. Sống trong sợ hãi lâu rồi thành quen, mưa thì cố gắng tìm nhà người thân tránh trú, nắng lên lại quay về.

Không chỉ có thiên tai, hiện nay, bên cạnh thôn Thành Phát có một dự án đang thi công, thường xuyên nổ mìn, khiến đất đá văng vào thôn, tiếng nổ cùng với lực phá của mìn rất mạnh làm nhiều nhà dân tại đây rung chuyển, không ít nhà bị nứt và hư hỏng sống trong bất an, lo sợ.

Theo tìm hiểu, xã Phước Đồng hiện có gần chục điểm dân cư sống dưới chân núi, phía trên núi là nhiều dự án đào xẻ núi ngổn ngang... Mặc dù biết nguy hiểm nhưng vì nhu cầu nhà ở, nhiều người dân vẫn mua đất, xây nhà ở những khu vực này.

Bao giờ dân được an cư?

Theo ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, năm 2018, tại thời điểm bị sạt lở, thôn Thành Phát có 348 hộ, với 1.373 nhân khẩu sinh sống; xóm Mũi, thôn Thành Đạt có 346 hộ, 1.243 nhân khẩu sinh sống. Sau khi rà soát, xã đã lập danh sách số nhà bị hư hỏng 1 phần và bị sập hoàn toàn khoảng 170 căn, sau đó thành phố rà soát lại có 100 ngôi nhà được xem xét hỗ trợ di dời, với mức 4,5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, chỉ có 40 hộ nhận tiền, số khác không dám nhận vì sợ buộc phải dời đi. Từ đó đến nay, trừ một số hộ bị sập nhà hoàn toàn có điều kiện đi mua đất chỗ khác xây nhà ở, số còn lại đi thuê nhà ở. Sau một thời gian thuê nhà, do kinh tế khó khăn, họ lại quay về sửa nhà ở lại. 

Nhiều khu nhà tạm dựng lên bên cạnh khu vực chân núi có nguy cơ sạt lở
Nhiều khu nhà tạm dựng lên bên cạnh khu vực chân núi có nguy cơ sạt lở

Thời gian qua, tình trạng các hộ dân quay lại xây dựng nhà rất phức tạp, dẫn đến công tác quản lý của xã gặp nhiều khó khăn, không đủ lực lượng túc trực thường xuyên. Hơn nữa, hiện đã vào mùa mưa bão, để tồn tại các căn nhà tạm bợ, cheo leo bên sườn núi rất nguy hiểm. Địa phương kiến nghị các cấp, ngành, thành phố, tỉnh sớm có phương án triển khai di dời các hộ; đặc biệt khu vực xóm Mũi, thôn Thành Đạt.", ông Pháp nói.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, về việc rà soát các khu vực sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và 9 năm 2018, UBND thành phố đã xây dựng phương án di dời, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Đến tháng 4/2020, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo và thống nhất phương án di dời, đầu tư xây dựng nhà ở cho các hộ bị sạt lở thuộc xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường theo hướng bố trí giao đất TĐC kết hợp xây dựng chung cư căn hộ cho thuê. Phương án này nhằm giải quyết phù hợp từng nhóm đối tượng di dời, nguồn vốn ngân sách tỉnh, thành phố và kêu gọi xã hội hóa. Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC và chung cư cho thuê dự kiến khoảng 340 tỷ đồng. Hiện nay, UBND thành phố đã hoàn thiện phương án gửi lấy ý kiến các sở, ngành và trình UBND tỉnh phê duyệt dự án.

Như vậy, hiện tại chính quyền địa phương và người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi...

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Như một cái duyên, tôi trở lại xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) đúng vào dịp lễ A Riêu Piing đang diễn ra. Sau bao năm gần như bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, lễ hội A Riêu Piing ở A Bung tiếp tục được tổ chức vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi), đặc biệt là âm thanh vang vọng, rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng- điểm nhấn quan trọng trong lễ hội A Riêu Piing.