Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

“Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” cách làm giao thông nông thôn ở Văn Bàn

Trọng Bảo - 05:12, 15/11/2023

Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa dói giảm nghèo. Thời gian qua, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương để mở mới, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó, phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của người dân.

Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, mở rông giúp cho việc đi lại và giao thương hàng hóa được thuận lợi
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, mở rộng giúp cho việc đi lại và giao thương hàng hóa được thuận lợi

Người dân đồng lòng

Tuyến đường giao thông thôn Là 1-Lủ 2, xã Võ Lao dài 1,5km hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Khi đó, với thiết kế cũ đường được thi công rộng 4,8m; trong đó mặt đường rộng 3m. Trước nhu cầu phát triển chung, thì thiết kế đường cũ không còn đáp ứng được nhu càu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. 

Năm 2023, tuyến đường được mở rộng lên 7m; trong đó, mặt đường được nâng cấp lên thành 6m. Chị Hoàng Thị Xiên, Bí thư chị bộ, Trưởng thôn Là 1 cho biết: Những ngày đầu đi tuyên truyền vận động bà con hiến đất làm đường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã xây tường bao kiên cố, trồng cây ăn quả… nên cũng còn lưỡng lự khi phải đập bỏ tường rào để mở rộng đường.

Theo lời chị Xiên, trước đây, khi mở đường mới, thì bà con cũng đã tình nguyện hiến đất làm đường rồi. Để tiếp tục nhận được sự đồng thuận của bà con khi mở rộng đường, Ban phát triển thôn, các đoàn thể đã tổ chức họp dân, phân tích những lợi ích lâu dài khi tuyến đường được mở rộng. Từ đó, bà con đã dần hiểu và đồng lòng nhất trí cùng với Nhà nước mở rộng đường. Qua thống kê, sau khi tuyến đường hoàn thành người dân đã hiến khoảng 3000 mét vuông đất, đóng góp hơn 200 ngày công lao động và gần 100 triệu đồng.

Gia đình chị Lương Thị Nhớ (áo đen) tự nguyện đập bỏ 30m tường rào để hiến đất mở rộng đường
Gia đình chị Lương Thị Nhớ (áo đen) tự nguyện đập bỏ 30m tường rào để hiến đất mở rộng đường

Gia đình chị Lương Thị Nhớ là một trong những hộ tiên phong hiến đất của thôn Là 1 khi tuyến đường được mở rộng. Chị Nhớ cho biết: Năm 2015 khi tuyến đường được hoàn thành, gia đình chị đã xây khoảng 30m tường rào kiên cố để tạo cảnh quan, cũng như thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Khi xã, thôn có chủ trương mở rộng đường gia đình chị tự nguyện đập bỏ tường rào, dịch chuyển lùi vào hơn 3m đất để thi công công trình.

“Bây giờ xe máy, ô tô nhiều đường chật hẹp quá; thấy các cháu học sinh hàng ngày đi học về thì đông gặp ô tô cũng nguy hiểm. Bây giờ đường mở rộng rồi, vừa sạch đẹp, vừa an toàn cho bà con đi lại nên gia đình rất ủng hộ”, chị Nhớ chia sẻ.

Thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, với thế mạnh trồng cây quế. Có thể nói, cây quế đã góp phần “đổi đời” cho bà con Nhân dân nơi đây; diện tích trồng quế trong thôn ngày càng được mở rộng. Tuyến đường giao thông vào thôn với chiều dài 1,5km được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. 

Khi có chủ trương làm đường giao thông bà con trong thôn đều phấn khởi, đồng thuận. Dù đất sản xuất ở đây được ví như “tấc đất, tấc vàng”, bởi giá trị từ cây quế nhưng bà con đã hiến trên 2000 mét vuông đất để tuyến đường hoàn thành theo đúng tiến độ.

Phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” ở Văn Bàn đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân
Phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” ở Văn Bàn đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân

Ông Phan Trọng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Nậm Cọ là thôn ĐBKK của xã; trước đây, đường vào thôn vô cùng khó khăn, những ngày mưa thì phải đi bộ chứ xe máy không thể vào được. Bà con trồng quế nhưng giá cũng thấp vì xe không vào chở được, phải thuê vận chuyển rất tốn kém.

“Bây giờ xe ô tô có thể vào tận đồi để chở quế, cấp ủy, chính quyền xã, thôn rồi bà con Nhân dân ai cũng vui mừng phấn khởi vì có đường bê tông kiên cố để đi lại. Có đường không chỉ thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa mà việc tuyên truyền vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự thôn bản…”, ông Quang nhấn mạnh.

Khi phong trào phát động "đúng và trúng"

Để kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn; thời gian qua, huyện Văn Bàn đã vận dụng, lồng ghéo có hiệu quả các chương trình, nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2022, Đảng bộ huyện đã đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai Chương trình MTQG 1719, trong đó có việc mở mới, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn trong huyện. 

Cùng với đó, để tạo sự đồng thuận của Nhân dân, Huyện ủy Văn bàn đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất”. Ông Phí Công Hoan, Bí thư huyện ủy Văn Bàn cho biết: Phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” đã đi “đúng và trúng” với tâm tư, nguyện vọng của bà con Nhân dân.

Người dân các thôn bản tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường
Người dân các thôn bản tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường

Theo ông Phí Công Hoan, Bí thư huyện ủy Văn Bàn, ngay từ giai đoạn 2010-2020, thực hiện chương trình mục tiêu về mở rộng đường giao thông nông thôn, chủ yếu mặt đường được thiết kế từ 2,5 - 4m, lúc đó chúng tôi đã báo cáo tỉnh chủ động ứng trước ngân sách của huyện để mở rộng mặt đường đối với những tuyến đã được đầu tư từ 2,5 – 4m lên 6 – 8 m, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Qua thời gian triển khai, đến nay phong trào vẫn tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị cũng như bà con Nhân dân.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh để tiến tới hoàn thành xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn từ nguồn lực của Nhà nước cũng như sự đóng góp của Nhân dân các dân tộc trong huyện”, ông Hoan nhấn mạnh.

Có thể nói, phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” của huyện Văn Bàn đã thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân nói chung, phong trào làm đường giao thông nông thôn nói riêng của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.