Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tựa vai đứng dậy sau lũ dữ

Mỹ Dung - 07:23, 17/10/2024

Từ nhiều đời nay, người dân xã Đông Hải, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) vẫn sống yên ổn bên dòng sông Hà Thanh êm đềm. Thế mà, mới gần đây thôi, trận lũ lớn của hoàn lưu cơn bão số 3 đi qua..., đã biến miền quê xinh đẹp, yên bình ấy bỗng chốc trở lên hoang tàn. Trong bộn bề khó khăn, những người con Đông Hải đã tựa vai đứng dậy sau lũ dữ để kiến thiết lại cuộc sống.

Bà con thôn Hà Tràng Tây đang hỗ trợ anh Chíu Văn Dùng xây lại nhà trên nền cũ
Bà con thôn Hà Tràng Tây đang hỗ trợ anh Chíu Văn Dùng xây lại nhà trên nền cũ

Trở lại vùng tâm lũ thôn Hà Tràng Tây vẫn còn ngổn ngang "dấu tích" của lũ hằn trên tường nhà, cây cối và những công trình thủy lợi bị xói mòn. Ngay từ đầu thôn là một ngôi nhà đang được xây dựng, hỏi thăm được biết, đó là nhà của gia đình anh Chíu Văn Dùng (43 tuổi), dân tộc Dao. Đây là hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất thôn khi toàn bộ ngôi nhà đã bị cuốn phăng. Cũng may, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, vận động các mạnh thường quân giúp đỡ, người dân chung tay, góp sức, gia đình anh Dùng đã xây lại được ngôi nhà mới trên nền nhà cũ.

"Chúng tôi xây nhà nhưng hầu như cũng không phải thuê người ngoài đâu, anh em, hàng xóm đến giúp mỗi người một tay. Vừa tiết kiệm, mà tình cảm và cũng là trách nhiệm, tình làng, nghĩa xóm với nhau”, anh Dùng chia sẻ.

Nhớ lại những ngày cơn bão số 3 đổ bộ, chị Nông Thị Thắm, Trưởng thôn Hà Tràng Tây, cho hay, lúc đó nhận tin lũ sắp về, toàn bộ thôn mất điện, không sóng điện thoại... chị đã nhanh chóng phi xe máy đến từng nhà để thông báo cho bà con chủ động sơ tán người và tài sản.

“Nghe báo người người, nhà nhà đã nhanh chóng khẩn trương dọn dẹp đồ đạc. Nhà nào xong thì chạy sang giúp nhà hàng xóm, đàn ông, thanh niên trong thôn cũng đến các gia đình có người già, trẻ nhỏ để giúp di chuyển kịp thời”, chị Thắm kể lại.

Chị Thắm đem sổ sách, tài liệu, giấy tờ bị ướt do lụt ra phơi
Chị Thắm đem sổ sách, tài liệu, giấy tờ bị ướt do lũ lụt ra phơi

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đông Hải, thiệt hại sau bão rất nghiêm trọng. Toàn xã có hơn 900ha đất lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo từ 2 đến 5 năm tuổi, bị hư hại nặng nề. Bên cạnh đó, khoảng 400 hộ dân bị ngập lụt, mất mát tài sản, cây trồng, vật nuôi, với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, có 6 căn nhà bị tốc mái gần như hoàn toàn, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Ông Thằng Văn Thống, Bí thư, Trưởng thôn Nà Bấc cho biết: "Sau bão, cùng với thực hiện thống kê thiệt hại nông nghiệp, lâm nghiệp để kịp thời hỗ trợ người dân, chúng tôi cũng triển khai, vận động Nhân dân bỏ kinh phí ra để khôi phục vườn mẫu, mô hình trồng rau, hiện cũng ổn định sản xuất. Còn nhà cửa thì Nhân dân đang từng bước khắc phục”.

Thôn Nà Bấc là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề đợt lũ hoàn lưu sau bão số 3
Thôn Nà Bấc là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề đợt lũ hoàn lưu sau bão số 3

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải được biết, tỉnh Quảng Ninh đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp và giao cho Công ty thủy lợi miền Đông, đề xuất phương án thực hiện sớm nhất để bà con có nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Riêng chính quyền xã Đông Hải cũng đã có dự tính đưa giống cây mới để tái sản xuất nhanh nhất, tránh việc xuất hiện các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

“Tới đây, Đông Hải sẽ hướng bà con trồng thêm sắn trên 1 phần diện tích đất rừng bị thiệt hại. Xã cũng đã làm việc với một doanh nghiệp, họ cam kết sẽ đứng ra thu mua cho bà con rồi. Vì sắn cũng ngắn ngày, một năm cũng khôi phục được sản xuất luôn. Các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã khoanh và gia hạn nợ tùy từng đối tượng và có cơ chế cho vay mới để bà con sớm ổn định, khôi phục kinh tế”, ông Hiệp chia sẻ.

Bà con cuốc đất, gieo trồng cho kịp mùa vụ
Bà con cuốc đất, gieo trồng cho kịp mùa vụ

Làng quê Đông Hải đã trở lại nhịp sống thường ngày, với những ngôi nhà mới được dựng lên từ sự chung tay của các cấp, các ngành và bà con lối xóm, với những luống rau xanh đã mọc lên trên thửa đất vừa bị lũ vùi dập, cuốn trôi...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.