Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tục “Juê nuê” của người Ê Đê

Nguyệt Anh (T/h) - 08:00, 18/07/2021

Cộng đồng dân tộc Ê Đê trước đây sống biệt lập ở những vùng núi cao, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và luôn phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, nên đồng bào có tục “Juê nuê” (nối dây) để duy trì nòi giống, sức lao động, bảo vệ buôn làng.

Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, trong hôn nhân, người phụ nữ có quyền đi "bắt chồng"
Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, trong hôn nhân, người phụ nữ có quyền đi "bắt chồng"

Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có quyền lực và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Vì thế, trong trường hợp chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng mình. Ngược lại, nếu người vợ chết thì chồng người phụ nữ ấy buộc phải lấy em gái vợ (em ruột hoặc em họ của vợ) để nối giống nòi. Những người này được gọi là “nuê” (nối dây).

Người Ê Đê luôn xem gia đình là một “hrú mđao”(tổ ấm), nơi để cho ông bà, cha mẹ và con cái cùng chia sẻ vui buồn, trong đó bố mẹ là nguồn sống, là nơi nương tựa của trẻ. Vì vậy, khi chẳng may bố mẹ qua đời, việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người “kế” để nuôi dạy chúng là điều cần thiết. Người kế sẽ có nhiệm vụ thay người xấu số chăm sóc con cái, quản lý tài sản, đất đai, duy trì gia đình. Đồng thời, tiếp tục giữ mối quan hệ thân tình, bền vững mà hai gia đình đã tạo dựng.

Phụ nữ Ê Đê giã gạo bên đầu hồi nhà dài truyền thống
Phụ nữ Ê Đê giã gạo bên đầu hồi nhà dài truyền thống

Luật tục Ê Đê quy định: “Nếu người goá đã đứng tuổi mà người thay thế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu làm vợ (chồng), thì người goá phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo “nuê” như một đứa trẻ bình thường khác. Người góa phải biết che chở, chờ đợi "nuê", đến một lúc nào đó nuê sẽ làm được nhiệm vụ nối tiếp giống nòi”.

Việc duy trì và bảo vệ gia đình mẫu hệ không chỉ biểu hiện ở tục “Juê nuê” mà còn thể hiện trong quan hệ giữa các chị em gái ruột và con cái của họ nữa. Trong tộc mẹ, những người phụ nữ luôn luôn xem những đứa con của các chị em gái ruột hoặc chị em gái họ như con đẻ. Không những thế, họ còn nuôi nấng, yêu thương và chăm sóc các cháu như con đẻ của mình. Người đàn ông cũng tương tự như vậy

Già H’Doen MLô xã Ea Tar, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) cho biết: Với người Ê Đê, gia đình được xem là một tổ ấm. Bố mẹ chính là nguồn sống, là nơi nương tựa cho những đứa trẻ. Khi một trong hai mất đi, việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người để nuôi dạy chúng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trước khi di quan một ngày, người ta phải thông qua ý kiến này trước dòng họ, còn việc được chấp nhận hay không và sẽ chấp nhận với đối tượng nào, điều đó lại phụ thuộc vào người góa.

Trong ngày cưới, cô gái Ê Đê trao nhẫn cho vị hôn phu
Trong ngày cưới, cô gái Ê Đê trao nhẫn cho vị hôn phu

Theo luật tục, người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với chị/em vợ hoặc anh/em rể có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vì lấy anh rể, cô gái hoặc gia đình cô sẽ nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và người anh rể phải để lại toàn bộ tài sản và con cái mà trước đó hai vợ chồng gây dựng được cho gia đình bên vợ.

Tục nối dây nếu xem xét ở nhiều phương diện tổng thể thì đây là một tập tục mang giá trị nhân văn trong đời sống của một tộc người. “Juê nuê” có mục đích hướng tới bảo vệ sự nguyên vẹn của một gia đình và quyền lợi của trẻ em. Đây là những giá trị, mục tiêu tốt đẹp mà mọi cộng đồng, xã hội luôn hướng tới.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.