Dù chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đem đến cho phố núi Pleiku một bầu không khí sôi nổi, sống động. Gần 800 nghệ nhân đồng bào DTTS đã tạo nên một không gian lễ hội độc đáo, thông qua việc phục dựng nguyên bản các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Gia Rai, Ba Na như: Lễ bỏ mả; Lễ mừng chiến thắng; Lễ mừng nhà rông; Lễ mừng năm mới; Lễ mừng lúa mới… Bên cạnh đó là không gian sắc màu văn hóa dân tộc Tày với làn điệu hát Then - đàn Tính làm say lòng người.
Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, mỗi đoàn nghệ nhân được bố trí một vị trí ở khu vực để tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt vải, tham gia các trò chơi dân gian… Đây chính là hình thức đưa sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trở về gần hơn với cuộc sống đời thường...
Chị Hồ Thị Viên (nghệ nhân người Ba Na, thị xã An Khê) chia sẻ: “Đến với Ngày hội năm nay tôi rất hào hứng. Ở đây, mỗi đơn vị mang đến một nét văn hóa riêng biệt từ trang phục dân tộc đến các nghi lễ truyền thống. Qua ngày hội, tôi học hỏi được nhiều điều và phát huy thế mạnh văn hoá dân tộc mình, gắn kết thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc”.
Trong Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm nay, bên cạnh sắc màu văn hóa của 2 dân tộc Ba Na và Gia Rai, còn có sắc màu văn hóa của dân tộc Tày, tạo nên bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng. Những cô gái Gia Rai cũng hòa vào tiếng đàn Tính và tham gia nhảy sạp cùng các nghệ nhân Tày khiến tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em càng thêm gắn kết.
Ngày hội đã giúp người dân và du khách được hòa mình trong không gian lễ hội với tiếng cồng chiêng rộn rã, ngân vang. Những ai yêu mến, muốn tìm hiểu về nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na, Gia Rai cũng đã có cơ hội khám phá, trải nghiệm tại đây.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, Ngày hội còn có phần trưng bày, giới thiệu đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương như: Thịt bò một nắng, muối kiến, rượu ghè, nhung hươu ngâm mật ong, cà phê… Đây cũng là dịp để đồng bào các DTTS trong tỉnh giao lưu, quảng bá đặc sản của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Tỉnh Gia Lai có hơn 40 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng rất đặc trưng. Ngày hội năm nay rất thành công, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Quan trọng nhất vẫn là niềm vui và sự phấn khởi, tự hào của các nghệ nhân tham gia Ngày hội. Từ đây, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sẽ có nhiều chuyển biến, mọi người sẽ cùng chung tay gìn giữ mạch nguồn di sản”.
Để duy trì tính định kỳ, ý nghĩa của lễ hội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung đề nghị: Các địa phương cần đa dạng hoá thành phần dân tộc trong việc cử nghệ nhân tham gia sự kiện những năm tiếp theo. Trong kế hoạch hằng năm, các địa phương cần thay đổi phương thức tổ chức để bà con gặp gỡ, giao lưu, vui chơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng là chính, giảm dần việc tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, hội thi, hội diễn... Bên cạnh đó, các lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động văn hóa truyền thống của bà con; nâng cao nhận thức và trách nhiệm người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn mình quản lý.