Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Từng bước xóa bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Kbang

Ngọc Thu - 16:45, 28/09/2024

Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” nằm trong Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thành lập ở huyện Kbang (Gia Lai) đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, giúp phụ nữ, trẻ em DTTS có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại huyện Kbang đang phát huy hiệu quả trong xoá bỏ định kiến giới tại làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS
Mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại huyện Kbang đang phát huy hiệu quả trong xoá bỏ định kiến giới tại làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS

Nỗ lực xóa bỏ định kiến giới

Tháng 10/2023, Hội LHPN huyện Kbang đã ra mắt "Tổ truyền thông cộng đồng" tại làng Kuk Tung (xã Tơ Tung) gồm 7 thành viên, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày như: động viên hội viên, phụ nữ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại cũng như tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng...

Anh Đinh Tái, Thôn trưởng làng Kuk Tung, cho biết: Trước đây, Kuk Tung là ngôi làng đặc biệt khó khăn của xã Tơ Tung với gần 100% là đồng bào DTTS Ba Na. Trong làng mình vẫn còn tình trạng tảo hôn, say xỉn, bạo lực gia đình, tử tự, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự… xảy ra khiến bao gia đình khổ cực và khổ nhất vẫn là phụ nữ.

Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tại làng Kuk Tung (xã Tơ Tung) truyền thông chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em DTTS
Các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tại làng Kuk Tung (xã Tơ Tung) truyền thông chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em DTTS

Từ khi thành lập Tổ truyền thông đến nay, các thành viên trong Tổ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông. Từ đó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt là tảo hôn và bạo lực gia đình.

Chị Đinh Thị Bao (làng Kuk Tung, xã Tơ Tung) bày tỏ: Từ khi có "Tổ truyền thông cộng đồng", phụ nữ được tham gia nói lên tiếng nói của mình, đàn ông hiểu hơn về phụ nữ, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh. Trong làng không còn tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình cũng được hạn chế rất nhiều. 

Bản thân tôi được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội như các mô hình khởi nghiệp, không còn ngại ngần trong giao tiếp, tự tin thể hiện khả năng bản thân trong công việc. Tôi mong muốn các thành viên phát huy vai rò của mình để "Tổ truyền thông cộng đồng" của làng ngày càng hoạt động tốt hơn và nhận thức của bà con ngày càng tiến bộ hơn.

Nâng cao hiệu quả mô hình Tổ truyền thông cộng đồng

Với đặc thù huyện có 12 xã/14 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, có 1 xã đặc biệt khó khăn; 33 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Kang đã có nhiều cách làm sáng tạo, triển khai nhiều mô hình ý nghĩa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn; Trong đó, mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng".

Để "Tổ truyền thông cộng đồng" hoạt động hiệu quả, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên. Đến nay, "Tổ truyền thông cộng đồng" đã tổ chức nhiều hoạt động ở cơ sở, trong có việc tiếp nhận góp ý các vấn đề bức thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em thông qua điện thoại, nhóm mạng xã hội... Tổ tiếp nhận thông tin, báo cáo, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Cẩm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kbang, huyện Kbang cho biết: Thị trấn Kbang có 6 làng đặc biệt khó khăn/19 tổ dân phố, thôn, làng. Từ năm 2022 đến nay, thị trấn đã thành lập được 4 "Tổ truyền thông cộng đồng", 1 địa chỉ tin cậy với gần 60 thành viên. 

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, các thành viên trong mô hình có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới. Từ đó, đã tích cực truyền thông trong các buổi họp làng, trong gia đình, giải quyết kịp thời các trường hợp tảo hôn, bạo lực gia đình… Đồng thời, vận động chị em tự tin tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo cơ hội để thể hiện, chăm sóc bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức truyền thông Dự án 8 cho chị em phụ nữ, hệ thống chính trị thôn làng và Tổ truyền thông cộng đồng làng Kuk Tung, xã Tơ Tung
Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức truyền thông Dự án 8 cho chị em phụ nữ, hệ thống chính trị thôn làng và Tổ truyền thông cộng đồng làng Kuk Tung, xã Tơ Tung

Đến tháng 4/2024, huyện Kbang đã thành lập được 12 "Tổ truyền thông cộng đồng". Đồng thời, tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực cho "Tổ truyền thông cộng đồng" và các lớp truyền thông Dự án 8, truyền thông pháp luật hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn… "Tổ truyền thông cộng đồng" được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩa, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục cản trở sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang Đinh Thị Triết, nhận định: Để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", thời gian tới các cấp hội tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, các vấn đề liên quan, nổi cộm tại địa phương. 

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng xây dựng chương trình truyền thông phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng đối tượng hội viên, phụ nữ, truyền thông bằng tiếng địa phương nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ DTTS. 

Các thành viên "Tổ truyền thông cộng đồng" cũng phải sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề liên quan đến hội viên, phụ nữ, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để mỗi hội viên, phụ nữ DTTS là một tuyên truyền viên tích cực thúc đẩy bình đẳng giới.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.