Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tuổi trẻ Đăk Nông bảo tồn văn hóa truyền thống

PV - 14:32, 29/07/2019

Sớm ý thức về bảo tồn văn hóa truyền thống, nhiều bạn trẻ tỉnh Đăk Nông không chỉ nỗ lực học hỏi mà còn có những cách làm hay để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Mỗi người một niềm đam mê, nhưng các bạn trẻ đang góp phần đưa những nhạc cụ dân tộc đến với mọi người, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Hoàng Thị Uyển Nhi biểu diễn đàn Tính, hát Then. Hoàng Thị Uyển Nhi biểu diễn đàn Tính, hát Then.

Trong nhiều chương trình biểu diễn quần chúng tại huyện Đăk Mil, ai cũng biết cô gái nhỏ nhắn dân tộc Tày Hoàng Thị Uyển Nhi (SN 2001), Tổ dân phố 4, thị trấn Đăk Mil. Từ nhỏ Uyển Nhi đã thường xuyên được xem các thế hệ trước biểu diễn đàn Tính, hát Then của dân tộc Tày. Yêu làn điệu Then, tiếng đàn Tính, năm 14 tuổi Nhi được bố mẹ gửi đến nhà người bác họ ở huyện Tuy Đức học.

Dù việc học hành bận rộn, nhưng Nhi luôn dành thời gian để tìm hiểu, học thêm về đàn Tính, hát Then và dạy lại cho các em của mình. Trong tất cả các chương trình văn nghệ của địa phương, trường học Nhi đều tham gia những tiết mục đàn Tính, hát Then để quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ đam mê đàn Tính, hát Then Nhi sẵn sàng chỉ cho những người có nhu cầu muốn tìm hiểu về loại hình âm nhạc truyền thống đặc trưng của dân tộc Tày.

“Được gia đình ủng hộ, khuyến khícḥ theo đuổi đam mê học đàn Tính, hát Then tôi rất hạnh phúc. Mong rằng, sẽ có nhiều, nhiều hơn nữa các bạn trẻ nhất là các bạn người Tày, Nùng học và lưu giữ cây đàn Tính, hát những điệu Then để giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài ra, tôi còn muốn học thêm nhiều hơn nữa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày”, Nhi chia sẻ.

Cũng giống như Uyển Nhi, từ nhỏ Lục Thị Huyền, dân tộc Nùng đã theo gia đình vào bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đăk Song lập nghiệp. Nơi đất khách quê người, ai cũng lo làm ăn kinh tế, không có nhiều thời gian để quan tâm đến bản sắc dân tộc. Huyền đã tự tìm đến các bậc cao tuổi trong bản để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống. Kiên trì theo đuổi, đến nay, Huyền đã có thể chơi xóc nhạc, đánh đàn Tính, hát lượm, hát Then… “Dù xa quê nhưng giá trị truyền thống của dân tộc mình thì phải giữ. Vì vậy, thế hệ trẻ như mình cần phải biết, phải học. Không chỉ học cho mình mà còn truyền lại cho con cháu của mình để còn giữ gìn lấy cái văn hóa, cái hồn của dân tộc mình”, Huyền chia sẻ.

CLB sáo trúc sinh hoạt buổi tối cuối tuần Câu lạc bộ sáo trúc sinh hoạt buổi tối cuối tuần.

Không chỉ thanh niên DTTS, nhiều thanh niên người Kinh sống trong vùng đồng bào DTTS cũng có niềm đam mê với các nhạc cụ dân tộc, như Nguyễn Hữu Tấn (SN1994) ở xã Đăk Ru, Đăk R’lấp. Tấn rất đam mê sáo trúc, một loại nhạc cụ truyền thống bằng tre. Nhằm tập hợp các bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc trên địa bàn huyện cùng giao lưu, tập luyện, năm 2013, Tấn cùng 5 người bạn có chung niềm đam mê với sáo trúc đứng ra thành lập CLB. Đến nay, CLB đã trở thành sân chơi thường niên, hữu ích cho đông đảo bạn trẻ trên địa bàn. Những tối cuối tuần, các bạn trẻ lại cùng nhau luyện tập thổi sáo, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết thổi chỉ cho người chưa biết thổi. Cứ thế, CLB không chỉ là sợi dây gắn kết những người yêu sáo trúc mà còn là nơi kết nối những người cùng tìm về cội nguồn, đam mê nhạc cụ dân tộc truyền thống.

“Thành lập CLB, tôi đã có điều kiệu để hướng dẫn, kêu gọi khá nhiều bạn cùng tham gia học và luyện tập thổi sáo. Các bạn trẻ biết chơi một nhạc cụ dân tộc nào đó, cũng là một điều tốt để nâng cao cảm thụ âm nhạc của bản thân, thêm yêu cuộc sống; yêu cái đẹp truyền thống của dân tộc”, Hữu Tấn chia sẻ.

Đối với người dân thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp, tiếng sáo trúc đã thành âm thanh quen thuộc. Đều đặn mỗi tối những ngày cuối tuần, người dân lại cùng ra ra quảng trường thưởng thức những bản nhạc du dương, âm thanh trong trẻo được hòa tấu bằng sáo trúc do các bạn trẻ CLB Sáo trúc Đăk R’lấp biểu diễn.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.