Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tuổi trẻ với văn hóa truyền thống

PV - 09:57, 31/07/2019

Trong khi các Nghệ nhân Dân gian tuổi càng ngày càng cao và số lượng nghệ nhân cũng giảm dần, bên cạnh nhiều bạn trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thì có những chàng trai, cô gái không chỉ nỗ lực góp phần để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mà còn say mê, tâm huyết bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc khác…

Anh Y Nô Ly Kbuôr (giữa) và học trò đi biểu diễn tại lễ hội. Anh Y Nô Ly Kbuôr (giữa) và học trò đi biểu diễn tại lễ hội.

Chàng thanh niên Ê-đê say mê âm nhạc Lào

Trong khi nhiều bạn trẻ cùng trang lứa khác đang miệt mài với những thú vui giải trí hiện đại thì chàng thanh niên dân tộc Ê-đê-Y Nô Ly Kbuôr, Phó Bí thư Đoàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk lại tìm cho mình niềm đam mê với âm nhạc truyền thống.

Từ nhỏ được ông dạy đánh cồng chiêng và tham gia các cuộc sinh hoạt văn hóa cồng chiêng nên phần nào Y Nô Ly Kbuôr hiểu được giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2015, Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Đăk Lăk đưa hai giảng viên (gốc Lào) chuyên ngành âm nhạc dân gian Lào về xã Krông Na tổ chức lớp dạy nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, các điệu múa... như duyên định trước, Y Nô Ly Kbuôr đăng ký tham gia lớp học và càng học càng mê.

Lúc đầu, anh Y Nô Ly Kbuôr gặp nhiều khó khăn do không hiểu ngôn ngữ, chữ viết Lào. Tự mày mò tìm hiểu, anh Y Nô Ly Kbuôr tiến bộ rất nhanh và được giảng viên người Lào tạo điều kiện cho thử tất cả các loại nhạc cụ mà họ mang theo. Kết thúc khóa học các giảng viên tặng lại 6 nhạc cụ dân tộc Lào cho UBND xã Krông Na để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa cho cộng đồng người Lào ở đây.

Anh Y Nô Ly Kbuôr đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Krông Na thành lập Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ Lào với 8 thành viên do anh làm chủ nhiệm. Ngoài chơi nhạc cụ, CLB còn thành lập được đội múa lăm vông với 5 thành viên. Để mọi người biết đến CLB nhạc cụ Lào, ngoài biểu diễn ở các sự kiện của địa phương, anh Y Nô Ly Kbuôr đã liên hệ với các đơn vị du lịch đứng chân trên địa bàn để phục vụ cho du khách; đồng thời nhận biểu diễn trong các đám cưới, tiệc... của những gia đình người Lào để có chút thu nhập, tạo động lực giúp các thành viên thêm phấn khởi.

Hiện nay, CLB đã có 15 thành viên chính, hằng tháng tổ chức sinh hoạt nhạc cụ Lào cho các thành viên. Anh Y Nô Ly Kbuôr đang duy trì dạy nhạc cụ Lào cho thanh thiếu nhi người Ê-đê, M’nông, Lào trên địa bàn xã. Ngoài nhạc cụ Lào, anh Y Nô Ly Kbuôr còn đánh chiêng và chơi thành thạo một số nhạc cụ dân tộc Ê-đê. Việc làm của anh Y Nô Ly Kbuôr suốt 5 năm qua không chỉ là cách hay để tập hợp thanh niên mà còn góp phần rất lớn giữ gìn bản sắc dân tộc Lào, truyền dạy cho nhiều bạn trẻ để bản sắc truyền thống không bị mai một.

Chị Hải Yến sưu tầm nhiều hiện vật và tự tay ủ rượu cần truyền thống Ê-đê. Chị Hải Yến sưu tầm nhiều hiện vật và tự tay ủ rượu cần truyền thống Ê-đê.

Cô gái Nùng yêu văn hóa Ê-đê

Là người con của dân tộc Nùng, chị Nguyễn Hải Yến ở buôn Ea Mắp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk bén duyên với chàng trai Ê-đê và làm dâu của buôn làng. Những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ê-đê ngấm dần vào người Hải Yến.

Chị Yến cho biết: Khi còn là sinh viên ngành Quản lý khách sạn, nhà hàng của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nha Trang, Yến đã ước mơ mở “bảo tàng” văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Về làm dâu trong buôn làng Ê-đê, thấy rõ bà con dần bắt nhịp cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống người dân mặc thường ngày cũng hiếm hoi, những hiện vật có giá trị thiêng liêng như chiêng, ché… bị đem đi bán. Chị Yến càng muốn giữ lại nếp nhà dài, dàn chiêng cổ và cả không gian văn hóa đặc sắc, thói quen sinh hoạt của người Ê-đê.

Chị đã gùi con trên lưng đi mua gỗ về làm nhà sàn, để ý lượm lặt từng trái bầu khô người dân không dùng; gom góp được bao nhiêu tiền, chị đến tận các buôn làng tìm mua hiện vật.

“Ngày xưa, chiêng, ché được đổi bằng trâu, bò, hiện vật càng lâu đời càng có giá trị. Tôi tạo dựng không gian lưu giữ hiện vật văn hóa truyền thống dân tộc Ê-đê và mở dịch vụ Homestay để mọi người cùng trải nghiệm và hiểu hơn bản sắc văn hóa của dân tộc. 2 bộ chiêng cổ, bộ 8 chiếc bộ 24 chiếc đằng kia là chủ chiêng họ tìm đến đổi bằng 2 con bò, giờ có cả đàn trâu, bò cũng không đổi được”, chị Yến khoe.

Chị Yến tự sắp xếp các hiện vật một cách tỉ mỉ trong căn nhà dài, tự học và ủ rượu cần, nấu các món đặc sản đãi khách. Homestay của chị Yến không chỉ mang đặc trưng văn hóa Ê-đê và còn sử dụng lao động là người dân tộc Ê-đê vừa để tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong buôn vừa để họ ngấm dần giá trị văn hóa của dân tộc mình mà bảo tồn, gìn giữ. Đến nay, Homestay của chị Yến đã tổ chức được một đội đánh cồng chiêng, múa dân gian chuyên phục vụ du khách.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.