Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Tượng Chằn trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer

Phương Nghi - Ngân Nhi - 16:36, 25/07/2021

Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa không chỉ là công trình văn hóa tiêu biểu, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh mà còn là nơi đồng bào gửi gắm niềm tin, sức mạnh, sự sáng tạo không ngừng trong nghệ thuật trang trí.

Tượng Chằn thường được đắp ở trước chùa Khmer
Tượng Chằn thường được đắp ở trước chùa Khmer

Trước bậc thềm vào chánh điện ngôi chùa Khmer có nhiều tượng Chằn (Year) đứng bảo vệ ngôi chùa. Trong văn hóa Khmer, hình tượng Chằn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trong văn học, truyện cổ tích Khmer, hình tượng Chằn thường tượng trưng cho cái xấu, cái ác, nhân vật phản diện, chuyên gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người. Nhưng trong các lễ nghi tín ngưỡng dân gian, người Khmer đã biết cách dung hòa tín ngưỡng liên quan đến Chằn và Phật giáo. Đồng bào mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống. Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn. Tượng Chằn đã được Đức Phật thu phục để bảo vệ chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành.

Ngôn ngữ Khmer gọi “Chằn” là Year, là nhân vật hoang tưởng có sức mạnh phù phép. Tượng Chằn được đắp nổi với hình dáng được nhân cách hóa, dưới dáng vẻ của một võ tướng có thân hình cao lớn, to khỏe, dáng đứng thẳng, gối khuỳnh và hai bàn chân quặt hẳn ra hai bên. Mặt tượng Chằn rất dữ dằn: Mắt lồi xếch ngược, mũi bạnh, tai thú cách điệu, miệng há rộng với những răng nanh to nhọn, tay cầm chày trông rất dữ tợn.

Sự hiện diện của Chằn trước chùa Phnôđôl (gọi chùa Giồng Lớn) ấp Cây Da, xã Đại An (huyện Trà Cú, Trà Vinh).
Tượng Chằn trước chùa Phnôđôl (gọi chùa Giồng Lớn) ấp Cây Da, xã Đại An (huyện Trà Cú, Trà Vinh).

Chằn đội vương miện bẹt, áo bó sát thân kiểu giáp trụ của võ tướng, với chiếc cổ tròn nhiều lớp phủ trên ngực áo, vai có hai “cánh” vểnh cong. Chiếc xà rông bó chặt vào ống chân giắt mối ra phía sau cùng tấm yếm phủ kín bụng lẫn đùi và xòe ra như chiếc váy. Hai tay Chằn khuỳnh ra đặt phía trên thắt lưng và nắm chặt chuôi chiếc chày vồ chống thẳng đứng từ trên rốn xuống giữa hai gót chân. Tượng Chằn được đặt ở cổng, sân hoặc quanh ngôi chánh điện chùa Khmer là để bảo vệ, hộ pháp, canh gác. Một số chùa lớn còn điêu khắc mô típ Chằn trên diềm mái chùa, ở mi cửa, trên ghế thuyết pháp của các sư... Nghệ thuật tạo hình chùa Khmer chủ yếu lấy đề tài từ thần thoại Bà La Môn giáo và Phật thoại.

Sự hiện diện của Chằn trước chùa Vàm Ray ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân (Trà Cú, Trà Vinh).
Tượng Chằn trước chùa Vàm Ray ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân (Trà Cú, Trà Vinh).

Theo ông Sơn Lương, Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng: “Trong nghệ thuật tạo hình, Chằn là một mô típ khơi nguồn sáng tạo bất tận đối với các nghệ nhân Khmer. Hình tượng Chằn được khắc họa ở một số vị trí mang tính bảo vệ, ngăn chặn tà ma xâm nhập vào chùa. Chằn có thể trong tư thế đứng hoặc ngồi trong khuôn viên ngôi chùa Khmer. Hình tượng Chằn ở đây đã được cải hóa, quy phục bởi đức Phật và trở thành thế lực bảo vệ cho chùa. Qua đó, đề cao tinh thần khoan dung và chính nghĩa của Phật giáo đã chiến thắng sự hung bạo. Nghệ nhân dân gian Khmer bằng tài nghệ của mình đã thể hiện được ý nghĩa sâu sắc trên”.

Sự hiện diện của Chằn trước chùa Khléang (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)
Chùa Khléang (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Chính vì vậy mà hình tượng của Chằn được hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp cũng vừa nhắc nhở tín đồ hãy cố làm điều phước thiện, tránh gây tội lỗi gian ác, nếu không sẽ bị chằn trị tội. Sự hiện diện của Chằn trong chùa cũng là để tôn lên cái triết lý thâm diệu tất thắng của chân, thiện, mỹ và cái ác cuối cùng rồi cũng phải bị triệt hạ và quy phục. Hình tượng Chằn trong các tác phẩm điêu khắc chính  là những bài học đạo đức, mang tính nhân văn, giáo dục nhân cách con người, đưa con người đến một cuộc sống hướng thiện, tích đức.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.