Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Gặp những Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở Lai Châu

Thuỳ Giang - 07:09, 26/11/2023

Ngày 21/11 vừa qua, tại tỉnh Lai Châu đã diễn ra Hội nghị biểu dương, tôn vinh Người có uy tín tiêu biểu xuất sắc trong đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2023. Tại Hội nghị đã có 200 Người có uy tín tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, đại diện cho 885 Người uy tín trong đồng bào các DTTS của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 -2023 được biểu dương. Họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh Lai Châu.

Ông Điêu Văn Huân chia sẻ với bà con về cách nuôi cá hiệu quả. ( Ảnh: Nguyễn Xuân Thắng)
Ông Điêu Văn Huân chia sẻ với bà con về cách nuôi cá hiệu quả. (Ảnh: Nguyễn Xuân Thắng)

Ông Điêu Văn Huân góp công xây dựng bản mới Pá Ngùa

Bản Pá Ngùa là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Do Pá Ngùa là bản tái định cư. Năm 2010 bản chuyển từ xã Tà Mít về Trung Đồng, nhường đất ở, đất sản xuất cho vùng ngập lòng hồ Thủy điện Bản Chát. Bản mới khi ấy còn nhiều khó khăn về giao thông, thiếu thốn nhiều cơ sở hạ tầng, khó khăn trong canh tác và lao động sản xuất. Nhưng hôm nay bản Pá Ngùa đã có nhiều khởi sắc, bà con có cuộc sống ấm no hơn nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có vai trò quan trọng của Người có uy tín tại bản Pá Ngùa.

Ông Điêu Văn Huân (dân tộc Thái) thuộc thế hệ 6x là người hiền lành, nhiệt tình, gần gũi với Nhân dân. Được bản làng tin tưởng, ông Huân luôn tuyên truyền, vận động bà con vững tâm xây dựng bản mới. Ông khuyến khích, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế - xã hội của bản làng, quyết tâm vượt qua đói nghèo.

Ông đã vận động 100% Nhân dân trong bản gieo cấy bằng các giống lúa, ngô lai có năng xuất cao; 100% các hộ dân trong bản tham gia trồng và chăm sóc chè; vận động các hộ thiếu đất sản xuất thực hiện tốt việc chuyển đổi nghề sang làm các nghành nghề khác phù hợp nhằm tăng thu nhập cho gia đình; vận động thanh niên tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, đi xuất khẩu lao động tại các thị trường lao động có mức lương cao.

Bản thân ông cũng là một tấm gương trong lao động, sản xuất. Ông gương mẫu, đi đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi 5 lồng cá tại sông Nậm Mu, chăn nuôi lợn, gà, nuôi ong lấy mật, trồng quế, dứa và chanh leo, đã cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định; hằng năm trừ chi phí, gia đình ông cho thu về trên 100 triệu đồng.

Từ các kinh nghiệm của mình, ông đã không quản ngại khó khăn, vận động người dân thay đổi tư duy kinh tế. Rồi ông trực tiếp hướng dẫn nhiều hộ dân thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong tổng số 54 hộ gia đình trong bản, nhờ tích cực làm theo hướng dẫn của Người uy tín Điêu Văn Huân, hầu hết bà con đã có cuộc sống ổn định, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, trẻ em đến tuổi đều được đến lớp, đến trường.

Những nỗ lực của ông đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Pá Ngùa. Nếu ở một số địa phương, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng điện, đường, trường, trạm còn vướng mắc thì ở Pá Ngùa, dưới sự vận động của ông Huân, bà con rất chung lòng. Bản thân gia đình ông Huân đã hiến 325m2 đất làm đường nông thôn mới. Ông vận động Nhân dân hiến 1.254m2 đất làm đường nội đồng; đóng góp ngày công xây dựng 01 nhà văn hóa bản và nhiều tuyến đường giao thông.

Bà con ở Ngài San tích cực trồng trọt, chăn nuôi nhằm xoá đói, giảm nghèo
Bà con ở Ngài San tích cực trồng trọt, chăn nuôi nhằm xoá đói, giảm nghèo

Ông Sùng Chá Nhè, người giữ gìn bản sắc văn hoá Mông ở Ngài San

Ngài San là một bản vùng cao thuộc xã Làng Mô của huyện Sìn Hồ, đồng bào dân tộc Mông sinh sống là chủ yếu. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp và phương pháp canh tác của bà con còn hạn chế khiến nhiều năm trước, Làng Mô còn nhiều khó khăn. Cái đói nghèo kéo theo nhiều thứ hạn chế. Một bộ phận người dân dễ bị lệch lạc về tín ngưỡng, tôn giáo, mong chờ vào những thế lực vô hình mang lại cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ cho mình.

Trong bối cảnh đó, ông Sùng Chá Nhè đã tích cực vừa vận động Nhân dân trồng trọt, chăn nuôi để xoá đói, giảm nghèo; vừa vận động bà con không nghe theo những đối tượng xấu truyền đạo trái pháp luật và không phù hợp với đường lối của Đảng và phong tục của dân tộc Mông. Đến nay, ông đã vận động được 2 người trong bản đi theo đạo xấu quay về với gia đình, bản làng.

Đồng bào Mông ở xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ chung vui ngày hội văn hóa
Đồng bào Mông ở xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ chung vui ngày hội văn hóa

Ông Nhè không ngừng tuyên tuyền đường lối của Đảng, tin tưởng vào con đường theo Đảng, Bác Hồ. Ông luôn cùng với Bí thư Chi bộ bản, Trưởng bản vận động bà con Nhân dân trong bản chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động bà con trong bản hiến đất mở đường nội bản, đảm bảo thuận lợi đi lại cho 15 hộ dân. Năm vừa qua, ông đã cùng trưởng bản và cán bộ xã tuyên truyền vận động 20 hộ dân thực hiện dự án trồng cỏ voi tại bản, hiện đã trồng được 10 ha cỏ mang lại thu nhập cho bà con ở bản khoảng 50 triệu đồng.

Ông Sùng Chá Nhè cũng rất chú trọng tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá dân tộc Mông nơi đây. Ông dành nhiều thời gian truyền lại cho thế hệ trẻ những phong tục thờ cũng tổ tiên, các đạo lý của người Mông cho các cháu nhỏ tại bản. Bằng những đóng góp đó, ông Sùng Chá Nhè được bà con Ngài San tin tưởng, yêu mến, coi ông như “cây đại thụ” đáng kính của bản làng.

Ông Chang Hà Cà, “cột mốc sống” ở Ka Lăng, Mường Tè

Phải đi cả nửa ngày đường từ trung tâm huyện Mường Tè, chúng tôi mới đến biên giới Ka Lăng. Đây là bản người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường bằng đất, luôn phấp phới những lá cờ đỏ sao vàng. Hỏi mọi người ở bản Ka Lăng, xã Ka Lăng, ai cũng biết ông Chang Ha Cà. Ông có giọng nói trầm ấm, phóng khoáng đặc trưng của người Hà Nhì nơi biên giới.

(Bái chưa BT - CĐ NCUT BTK) Những cây đại thụ tiêu biểu của đồng bào DTTS ở Lai Châu 3

Ở đây, từng tấc đất biên cương đều được những người thế hệ đi trước như ông Cà mang ý thức giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Bản thân ông thường xuyên đi tuần tra biên giới cùng với Bộ đội Biên phòng. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, vận động Nhân dân bảo vệ tốt 15,36 km đường biên mốc giới, bảo về tốt 10,7 ha điện tích đất rừng.

Bên cạnh đó, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên con cháu, bà con Nhân dân tham gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng mảnh đất biên giới quê hương ngày càng giàu đẹp. Phát huy vai trò của người uy tín ông luôn tích cực vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động vượt biên trái phép, bảo đảm an ninh trật tự đường biên, cột mốc tại khu vực biên giới. Mỗi người dân Ka Lăng như là một cột mốc sống, bảo vệ phên giậu cho Tổ quốc, giữ gìn văn hoá của dân tộc Hà Nhì như là một niềm tự hào ở biên giới. Ông Chang Ha Cà là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm qua.

Nhịp sống của người Hà Nhì ở biên giới Ka Lăng, Mường Tè
Văn hóa của người Hà Nhì ở xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè được giữ gìn, phát huy

Từ những đóng góp đó, ông Chang Ha Cà đã từng được nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu về việc đã có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động Nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.