Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tuyên Quang bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các DTTS để thu hút du lịch

Việt Hà - 4 giờ trước

Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm truyền dạy, phục dựng lễ hội, bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các DTTS để thu hút du lịch.

Các học viên trên địa bàn huyện Yên Sơn được Nghệ nhân Ưu tú trực tiếp truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Đặng Huyền
Các học viên trên địa bàn huyện Yên Sơn được Nghệ nhân Ưu tú trực tiếp truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Đặng Huyền

Trang bị kiến thức văn hóa cho người dân

Dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) năm nay, các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian và đội văn nghệ truyền thống ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) rộn ràng biểu diễn những tiết mục múa, hát giao lưu mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Mông, Dao, Cao Lan… Đây là những tiết mục vừa được các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và cán bộ nghiệp vụ tỉnh truyền dạy một cách bài bản, để người dân nâng cao kỹ năng biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian chất lượng chuyên nghiệp hơn.

Hoạt động này là một trong những nội dung thuộc Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Tại huyện Yên Sơn, Chương trình truyền dạy di sản văn hóa do Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện triển khai tổ chức từ ngày 2 - 31/10, thu hút gần 500 thành viên thuộc 5 CLB và 10 đội văn nghệ trên địa bàn huyện tham gia.

Không chỉ được truyền dạy, thực hành kỹ thuật biểu diễn múa, hát, các thành viên tham gia Chương trình còn được các nghệ nhân truyền dạy cho cách thức phục dựng các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của các dân tộc; cách thức sinh hoạt CLB và hoạt động của đội văn nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Thông qua đó nhằm bảo tồn có hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch tại địa phương.

Còn tại huyện Chiêm Hóa, các thành viên CLB văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà cũng được tham gia lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Dao, do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức theo Dự án 6 - Chương trình MTQG 1719. Tham gia lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên truyền dạy làn điệu hát páo dung truyền thống, nâng cao kỹ năng biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian.

Các CLB, đội văn nghệ trên địa bàn huyện Yên Sơn được truyền dạy làn điệu hát, múa; phục dựng các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Ảnh: ĐH
Các CLB, đội văn nghệ trên địa bàn huyện Yên Sơn được truyền dạy làn điệu hát, múa; phục dựng các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Ảnh: ĐH

Anh Bàn Văn Nam, Chủ nhiệm CLB Văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà chia sẻ, CLB hiện có 18 thành viên, độ tuổi từ 13 - 66 tuổi, đều là những người tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao. Mỗi người đều có hiểu biết nhất định về văn hóa dân tộc Dao: Người biết chữ Nôm - Dao, người biết hát páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người biết thêu thùa, chấm sáp ong lên vải để tạo hoa văn...

CLB thường tổ chức sinh hoạt cố định 1 tuần/lần hoặc những lúc nông nhàn khi đã xong việc đồng áng, mọi người lại hẹn nhau để cùng học hát, học múa, học chữ, học thêu… Người biết nhiều sẽ hướng dẫn, chia sẻ cho người biết ít hơn. Sau đó, mỗi thành viên trong CLB sẽ tiếp tục truyền dạy lại cho người thân, con, cháu mình. Bên cạnh đó, CLB còn thường xuyên mời các đội văn nghệ, các CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang)… về xã để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch

Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang xác định “bản sắc văn hóa dân tộc” là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là du lịch. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao nhận thức về bảo tồn các kiến trúc nhà sàn, nhà ngói âm dương, nhà đất trình tường được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang, huyện Lâm Bình.
Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang, huyện Lâm Bình

Tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, như: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương); Làng văn hóa Khâu Tràng, xã Hồng Thái (huyện Na Hang); Làng văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), các đội văn nghệ, CLB đàn Tính, hát Then dân tộc Tày; múa màng, hát Páo dung dân tộc Dao; hát Sình ca dân tộc Cao Lan; hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu; múa Khèn của dân tộc Mông được bảo tồn, phát huy. Nhiều món ẩm thực dân tộc đưa vào cơ cấu phục vụ như thịt lợn muối chua, mắm cá ruộng, thịt hun khói, trâu khô, rau dớn, nộm bi chuối, măng chua, canh đắng được du khách thích thú, ấn tượng.

Ngoài việc hỗ trợ cho công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể, tỉnh Tuyên Quang còn chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, quy hoạch thêm các làng văn hóa du lịch cộng đồng tiềm năng. 

Cụ thể, như: Huyện Na Hang quy hoạch, xây dựng thêm Làng văn hóa du lịch thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; Làng văn hóa du lịch thôn Nà Khá, xã Năng Khả. Huyện Lâm Bình quy hoạch Làng văn hóa du lịch Khuổi Trang, Khuổi Củng của đồng bào Mông xã Xuân Lập; Huyện Lâm Bình quy hoạch phát triển thêm Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn. 

Huyện Hàm Yên quy hoạch, xây dựng Làng văn hóa du lịch thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu; huyện Yên Sơn quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Động Sơn, xã Chân Sơn; huyện Chiêm Hóa quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Bản Ba, xã Trung Hà; thành phố Tuyên Quang có triển vọng phát triển làng Dùm, phường Nông Tiến…

Triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, năm 2024, tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ tổng kinh phí 38.502,0 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là: 19.314,0 triệu đồng, vốn sự nghiệp là: 19.188,0 triệu đồng. Tính đến tháng 10/2024, tỉnh đã giải ngân 7.975,4, đạt 20,7% (trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 5.025,9/, đạt 26,0%; Vốn sự nghiệp: 2.949,5/ đạt 15,4%).

Thực hiện “Đề án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện Yên Sơn đang chỉ đạo xã Chân Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình Nhà trung tâm bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc Cao Lan; nhà trưng bày sản phẩm, khu vệ sinh và các hạng mục phụ trợ tại thôn Động Sơn. Huyện cũng hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng/hộ cho 3 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ Homestay tại thôn Động Sơn để xây dựng hoàn thiện hệ thống phòng nghỉ và các công trình phụ trợ, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Huyện Yên Sơn còn phối hợp với xã Chân Sơn tập trung củng cố CLB giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn và đội văn nghệ của thôn; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, quảng bá về bản sắc văn hoá, cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng du lịch thôn Động Sơn, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng và tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác cho đại diện một số hộ gia đình dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, để du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Tuyên Quang tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Tuyên Quang.

Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương nhìn từ trên cao.
Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương nhìn từ trên cao

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, Tuyên Quang cũng tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch, nhất là đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch, số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.