Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tuyên Quang: Tăng cường kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia

PV - 16:05, 03/01/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình) là chương trình tổng thể, toàn diện tất các lĩnh vực, vấn đề liên quan đến đời sống của đồng bào DTTS. Chương trình gồm có 10 dự án lớn và 14 tiểu dự án. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, trong đó đặc biệt coi trọng công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Chung sức làm đường bê tông nông thôn ở Vị Xuyên
Chung sức làm đường bê tông nông thôn ở Vị Xuyên

Góp phần củng cố niềm tin

Từ quý I/2023, số lượng công trình, dự án của năm 2022, năm 2023 bắt đầu khởi động. Với khối lượng công việc “khổng lồ”, đây là niềm vui với đồng bào DTTS, song cũng là áp lực rất lớn đối với những đơn vị thực thi nhiệm vụ.

Các công trình, dự án thành phần của Chương trình đều được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, áp dụng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ. Do vậy, việc giám sát chặt chẽ nội dung Chương trình nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đầu tư công.

Chương trình được thực hiện với quan điểm, mục tiêu chung là: Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.

Chương trình có sự phân cấp lớn do nhiều dự án, công trình được giao cho cấp xã làm chủ đầu tư. Mục tiêu Chương trình có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với đồng bào DTTS. Do đó, kiểm tra, giám sát Chương trình là nhiệm vụ cấp bách, hết sức quan trọng. Không chỉ bảo đảm cho các công trình, dự án được xây dựng bảo đảm chất lượng, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật mà còn ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện; góp phần xây dựng và củng cố lòng tin với đồng bào các dân tộc vào cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS ở Tuyên Quang. Ảnh Vũ Kiên
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS ở Tuyên Quang. Ảnh Vũ Kiên

Giám sát đầu tư cộng đồng là tối quan trọng

Tháng 10/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch 194/KH-UBND về tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Ma Quang Hiếu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thực hiện thì công tác kiểm tra, giám sát của cơ sở thông qua Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã do Ủy ban MTTQ xã chủ trì là tối quan trọng.

Đây là hoạt động giám sát của chính Nhân dân - người hưởng thụ từ Chương trình nên phát huy được tối đa quyền dân chủ trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư.

Thực tế cho thấy, công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn và hàng năm của 1 số xã chưa đầy đủ theo quy định. Một số xã chưa thực hiện nhập dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mặc dù UBND huyện đã phân bổ cho các xã. Công tác rà soát đối tượng nhận hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng còn lúng túng… Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chủ quản dự án, nhiều nội dung dự án do cấp xã làm chủ đầu tư. Trong khi đó, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh chưa đầy đủ do trình tự, thủ tục ban hành văn bản.

Trước những khó khăn trên, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, đánh giá giám sát đầu tư cộng đồng Chương trình cho trên 400 cán bộ các cấp nhằm bảo đảm việc tổ chức thực hiện dân chủ, khách quan, đúng nội dung, địa bàn và định mức hỗ trợ. Các đại biểu được bồi dưỡng 4 nội dung: Quy định pháp luật về trình tự, thủ tục theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát đầu tư công cộng đồng Chương trình; nội dung theo dõi, kiểm tra, đánh giá Chương trình; nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, hoạt động thuộc Chương trình; nội dung Bộ chỉ số theo dõi, kiểm tra, đánh giá, khung kết quả thực hiện Chương trình.

Qua đó, đội ngũ cán bộ các cấp nhận thấy rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giám sát, đánh giá của cộng đồng; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thành lập, theo dõi, đánh giá hoạt động của các tổ chức giám sát cộng đồng, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát; trách nhiệm trao đổi thông tin giữa Ban Giám sát cộng đồng với UBND cấp xã trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình trên địa bàn tỉnh, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp xã cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, đối tượng áp dụng của từng dự án, tiểu dự án; hoạt động đầu tư công, pháp luật có liên quan… Bất kể cán bộ cấp nào dù vô tình hay cố tình để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, cán bộ đó phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật vì đã làm mất lòng tin của Nhân dân, đồng bào vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục
Thái Nguyên: Chú trọng công khai đảm bảo chất lượng con giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo

Thái Nguyên: Chú trọng công khai đảm bảo chất lượng con giống hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thực hiện 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện Phú Bình và Đại Từ. Để đảm bảo chất lượng, công khai nguồn cung cấp con giống hỗ trợ sinh kế cho các hộ, trước khi đưa bò giống đến tay bà con, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức cho tất cả đối tượng được hưởng lợi đến tham quan, chọn lựa tại các cơ sở giống có uy tín.